04:07 10/04/2011

Dịch vụ thẻ ATM quốc tế: Dân chưa mặn mà vì mức phí cao

Trước việc siết chặt mua bán ngoại tệ tự do của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều cá nhân đã gặp khó khăn khi mua ngoại tệ để đi công tác, du lịch hoặc học tập ở nước ngoài...

Trước việc siết chặt mua bán ngoại tệ tự do của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều cá nhân đã gặp khó khăn khi mua ngoại tệ để đi công tác, du lịch hoặc học tập ở nước ngoài... Nhằm góp phần giải quyết nhu cầu ngoại tệ của khách hàng cá nhân, ngày 12/3/2011, NHNN đã ra Văn bản số 2033/NHNN-QLNH yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường hoạt động mở thẻ thanh toán quốc tế để tạo điều kiện cho các cá nhân sử dụng thẻ thanh toán quốc tế khi có nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài.

Đua nhau khuyến mãi

Theo ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc VP Bank, thủ tục mở thẻ ghi nợ rất đơn giản, thường là chỉ sau một ngày làm thủ tục là khách hàng có thẻ để sử dụng. Đối với thẻ tín dụng, điều kiện mở thẻ phức tạp hơn (người mở thẻ phải có hợp đồng lao động dài hạn với cơ quan và được cơ quan bảo lãnh hoặc có tài sản thế chấp…) và mất vài ngày mới nhận được thẻ. Nhưng đổi lại, khách hàng được dùng thẻ để "thanh toán trước, trả tiền sau" ở cả trong và ngoài nước.

Tính đến thời điểm này, đã có 1,6 triệu thẻ quốc tế (trong đó có 340.000 thẻ tín dụng quốc tế) được phát hành trên tổng số 29 triệu thẻ các loại.


Để khuyến khích khách hàng thanh toán bằng thẻ, đặc biệt là thẻ thanh toán quốc tế, các NHTM đã lần lượt giảm phí chuyển đổi ngoại tệ khi thanh toán. Cụ thể, từ ngày 18/3/2011, Techcombank điều chỉnh giảm phí quản lý chuyển đổi chi tiêu ngoại tệ của thẻ visa phát hành bởi Techcombank với mức phí 4,5% giá trị giao dịch (bao gồm VAT). Trước đó, Ngân hàng An Bình (ABBank) cũng đã thay đổi phí “chuyển đổi ngoại tệ” của thẻ visa phát hành bởi ABBank, bao gồm cả hạng chuẩn (classic) và hạng vàng (gold) với mức phí quản lý chuyển đổi chi tiêu ngoại tệ là 4% trên tổng số tiền giao dịch (đã bao gồm VAT). Cách tính mức phí được tính: Tổng số tiền khách hàng phải thanh toán cho một giao dịch là: Số tiền mà khách hàng mua hàng hóa dịch vụ 1,04) * tỉ giá ngoại tệ/VND của visa áp dụng tại thời điểm thanh toán. Tương tự, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng thay đổi áp dụng mức phí mới chuyển đổi chi tiêu ngoại tệ với thẻ visa OceanBank là 4% (đã bao gồm VAT). Eximbank được xem là có mức chuyển đổi tiền tệ thấp nhất là 2,5%, dành cho các sản phẩm thẻ quốc tế như: Eximbank Visa Debit, Eximbank – Master Card.

Phí vẫn quá cao

Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink nhận định, thị trường thẻ ngân hàng 2011 hứa hẹn sẽ sôi động khi một số ngân hàng nước ngoài cũng tham gia phát hành thẻ.

Số liệu mới nhất của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này đã có 1,6 triệu thẻ quốc tế (trong đó có 340.000 thẻ tín dụng quốc tế) được phát hành trên tổng số 29 triệu thẻ các loại. Công ty Nghiên cứu thị trường Research and Markets (Mỹ) cũng cho rằng, từ nay đến năm 2014, thị trường thẻ ở Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 18,5%.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng sử dụng thẻ thanh toán quốc tế vẫn không mấy mặn mà khi sử dụng ở nước ngoài do phí chuyển đổi ngoại tệ vẫn quá cao. Chị Ngọc Yến - một chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu may mặc tại TP.HCM cho biết: “Thực tế, khi dùng thẻ visa, master… để rút tiền mặt ở nước ngoài, tôi thường phải chịu hai loại phí và lãi suất. Phí rút tiền từ 4 - 7%, phí chuyển đổi ngoại tệ 3 - 4% (tính ra lên tới 7 - 11%); lãi suất thấp nhất 21%/năm (khoảng 0,06%/ngày) được tính ngay tại thời điểm rút tiền. Trường hợp thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ thì phí chuyển đổi ngoại tệ là 3 - 4%”. Với thẻ ghi nợ visa debit, nếu chủ thẻ rút tiền mặt ở nước ngoài sẽ phải chịu phí rút tiền mặt và phí chuyển đổi ngoại tệ từ 7 - 11%, cao hơn rất nhiều so với việc mua USD trên thị trường tự do. Nếu dùng thẻ visa debit để thanh toán, chủ thẻ chịu phí chuyển đổi ngoại tệ từ 3 - 4%. Đó là chưa kể phải đóng phí thường niên 200.000 - 300.000 đồng, phí thay đổi mã số tài khoản… Chính vì vậy, nhiều lần trước khi đi nước ngoài công tác, chị Ngọc Yến đều đề nghị ngân hàng bán số ngoại tệ tương đương 7.000 USD theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, bà Dương Mai Hoa, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho rằng, mức phí này vẫn “dễ chịu” hơn việc phải mua ngoại tệ trên thị trường tự do với mức chênh lệch có thời điểm lên tới gần 10% so với tỷ giá niêm yết của ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính khuyến nghị, các ngân hàng giảm phí chuyển đổi ngoại tệ xuống mức thấp hơn, đặc biệt là phí rút tiền mặt ở nước ngoài. Hiện nay, tỉ giá giữa trong và ngoài ngân hàng hiện chỉ chênh nhau hơn 300 đồng/USD, vì thế các ngân hàng không nên lo ngại tình trạng chủ thẻ tranh thủ ra nước ngoài rút ngoại tệ để trục lợi đã từng xảy ra như trước đây.

Hải Yên