12:16 04/12/2014

Dịch vụ taxi Uber tại TP.HCM còn nhiều vướng mắc

Dịch vụ taxi Uber đang tạo sức hút khá nhiều hành khách sử dụng, cạnh tranh mạnh mẽ với các hãng kinh doanh vận tải taxi cũng như gây “sóng” đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy chỉ mới có mặt hơn 4 tháng nay tại TP Hồ Chí Minh và chính thức có mặt ngày 4/12 tại Hà Nội nhưng dịch vụ taxi Uber đang tạo sức hút khá nhiều hành khách sử dụng, cạnh tranh mạnh mẽ với các hãng kinh doanh vận tải taxi cũng như gây “sóng” đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ảnh minh họa. Khách được đưa đón bằng xe ô tô sang qua dịch vụ Uber. Nguồn: Forbes.com.


Cơ quan quản lý “bối rối”


Loại hình dịch vụ taxi mới này là thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên điện thoại smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe có nhu cầu cho đi nhờ. Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không lô gô, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác.

Người cần di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình; lúc đó hệ thống Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber), hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón.

 Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard; giá cả thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%. Điều này dẫn đến nhiều bức xúc từ phía các đơn vị kinh doanh vận tải và tài xế taxi do cạnh tranh không bình đẳng, ảnh hưởng đến trật tự vận tải trên địa bàn.

Đề cập đến việc xuất hiện loại hình taxi mới này, Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh, cho biết: các xe sử dụng Uber để vận chuyển hành khách gây ra sự cạnh tranh thiếu công bằng; đơn vị điều hành dịch vụ Uber không đăng ký kinh doanh, không đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Bên cạnh đó, tài xế sử dụng dịch vụ Uber không chịu sự gò bó về mặt thời gian, không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào về điều kiện hành nghề.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh bức xúc: Phát triển của ứng dụng Uber đồng nghĩa “nồi cơm” của cánh taxi bị xâm phạm do lượng khách mất dần; trật tự vận tải hành khách bị đảo lộn. Ngoài ra, Nhà nước sẽ thất thu thuế do các xe con cá nhân biến thành xe chở khách mà không thể kiểm soát được. Vì thế, Nhà nước phải buộc taxi Uber đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh.

Theo Cục thuế TP Hồ Chí Minh, Uber và chủ các xe này không đăng ký kinh doanh, không kê khai nộp thuế và không thể quản lý được bởi công ty Uber nằm ở nước ngoài; việc thanh toán cũng thông qua tài khoản nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả khi xác định được địa chỉ cụ thể vẫn chưa chắc truy thu, nộp thuế được do không xác định được doanh thu.

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố khẳng định: đây là hoạt động mới phát sinh tại thành phố, để nhận diện và xử lý triệt để đối với vấn đề này rất khó. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND thành phố kiến nghị với Chính phủ giao Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu để có các chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh


Khi được hỏi, một số hành khách từng sử dụng dịch vụ taxi Uber cho biết, sở dĩ họ lựa chọn dịch vụ này vì giá cả rẻ hơn các hãng taxi khác, thanh toán bằng thẻ Visa, Mastercard nên tiện dụng. Anh Nguyễn Văn D, hành khách đã sử dụng dịch vụ này cho biết, sau khi uống cà phê trên đường Lê Lợi, Quận 1 thì anh muốn đến Bưu điện thành phố (Quận 1) và đã lên mạng Uber đăng ký xe, được hệ thống thông báo xe của tài xế Võ Thanh Tâm.

Đúng 8 phút sau, xe anh Tâm đến đón. Theo anh D, giá của loại hình taxi này rẻ hơn so với taxi khác, phí di chuyển được thanh toán trực tiếp online qua mạng (thẻ visa card, master card).

Vừa qua, Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông Tp. Hồ Chí Minh đã kiểm tra một số taxi Uber. Cụ thể, lực lượng chức năng đã xử phạt tài xế Võ Thanh Tâm, điều kiển xe biển số 51A 52.929 lỗi kinh doanh vận tải bằng ô tô mà không có đăng ký kinh doanh được quy định tại điểm C, khoản 4, Điều 28, Nghị định 171/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cũng trong đợt kiểm tra này, có rất nhiều taxi Uber bị kiểm tra và xử phạt lỗi “ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định”.

Ông Karun Arya, Giám đốc truyền thông khối Nam Á của Uber cho biết: Uber không sở hữu, vận hành xe hoặc thuê tài xế mà đơn giản chỉ là kết nối yêu cầu của hành khách với những công ty vận tải dịch vụ đã được cấp phép. Điều này là hoàn toàn phù hợp với luật giao thông vận tải được công nhận và áp dụng bởi chính quyền địa phương.

Uber đảm bảo tất cả các đối tác Uber và xe của họ được kiểm tra lý lịch chặt chẽ, kỹ lưỡng; bộ phận chăm sóc hành khách của Uber đảm bảo đồ đạc cá nhân hành khách để quên sẽ được hoàn trả.

Theo ông Karun Arya, Uber đã tạo công ăn việc làm cho tài xế, tăng thu nhập cho hàng ngàn đối tác vận chuyển; c ông nghệ của Uber giúp giảm thiểu lưu lượng giao thông trong thành phố bằng cách gia tăng hiệu suất sử dụng xe hiện có.

Tại 250 thành phố trên khắp thế giới, hàng triệu hành khách và tài xế đang sử dụng Uber để tham gia giao thông một cách thuận tiện, an toàn và đáng tin cậy hơn. Uber mong được gặp gỡ với chính quyền địa phương để thảo luận làm thế nào có thể cùng góp sức chuyển đổi và hiện đại hóa giao thông của đất nước để bắt nhịp với các “thành phố thông minh” khác trên thế giới.

“Những quy định về taxi và xe cho thuê tại Tp. Hồ Chí Minh được soạn thảo vào thời điểm mà sự phổ biến và hữu dụng của điện thoại thông minh, internet chưa được tính đến và cân nhắc đầy đủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên trạng những quy định này sẽ làm hạn chế đi những lựa chọn tham gia giao thông của hành khách và kìm hãm sự phát triển của TP Hồ Chí Minh”. - ông Karun Arya khẳng định.

Bàn về tính pháp lý của dịch vụ taxi Uber tại Việt Nam hiện nay, Luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, dịch vụ taxi Uber ở Việt Nam cần khuyến khích phát triển vì đã mang lại lựa chọn cho hành khách khi mà giá cả rẻ hơn taxi các hãng khác.

Vấn đề là cơ quan Nhà nước phải quản lý được, phải hợp lý, hợp thức hóa cho loại hình dịch vụ này tồn tại, phát triển. Bản thân Uber khi hoạt động tại Việt Nam nhất thiết phải đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam ; lúc đó cơ quan Nhà nước Việt Nam sẽ có thêm nguồn thu thuế mà không sợ bị trốn thuế.


Trần Xuân Tình
(TTXVN)