02:09 02/02/2012

Dịch vụ “ăn theo” lễ hội

Theo ghi nhận của phóng viên Tin Tức tại đền Quán Thánh, đền Kim Liên, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Phủ Tây Hồ… (Hà Nội), mấy ngày gần đây, lượng khách đi lễ vẫn đông. Giá một số dịch vụ “ăn theo” lễ hội như: đồ lễ, ăn uống đều tăng, đặc biệt là dịch vụ trông xe.

Theo ghi nhận của phóng viên Tin Tức tại đền Quán Thánh, đền Kim Liên, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Phủ Tây Hồ… (Hà Nội), mấy ngày gần đây, lượng khách đi lễ vẫn đông. Giá một số dịch vụ “ăn theo” lễ hội như: đồ lễ, ăn uống đều tăng, đặc biệt là dịch vụ trông xe.

Mặc cả giá để không bị hớ

Một người bán đồ lễ tại khuôn viên đền Voi Phục (quận Cầu Giấy) cho biết: Dịp Tết này, đồ lễ bán rất chậm. Mặc dù rất đông người tới lễ nhưng họ chỉ vào chùa đặt tiền lễ. Hiện, giá một đôi cốc nến được bán với giá từ 35.000 - 50.000 đồng, chỉ lãi vài nghìn đồng; một bộ lễ tiền vàng được bán với giá 10.000 đồng, lãi 1.500 đồng…

Dịch vụ trông xe máy tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chặt chém với giá 20.000 đồng/xe.


Theo quan sát của phóng viên, với khuôn viên rất rộng rãi và sạch sẽ nhưng tại đền Voi Phục cũng chỉ có vài sạp hàng bán đồ lễ nhỏ và lác đác người bán đồ ăn. Đồ lễ không tăng giá nhiều nhưng đồ ăn uống thì rất loạn giá. Tại hàng bán bánh cuốn nóng kèm chả và thịt nướng khá đông khách, giá cho mỗi suất ăn là 20- 30.000 đồng; cốc trà nóng là 3.000 đồng/cốc. Tuy nhiên, nếu không hỏi trước, giá có thể đắt hơn vài nghìn đồng/suất ăn.

Là một người có kinh nghiệm đi lễ hội, chị Thu Yến (phố Hàng Đào, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm đi hội chùa Hương: Nếu không muốn bị “chặt chém”, du khách phải mặc cả từ trước. Khéo mặc cả, giá bán trứng vịt luộc khá rẻ là 5.000 đồng/quả, trứng gà luộc 6.000 đồng/quả; bún riêu cua và mỳ tôm là 20.000 đồng/bát… Dịch vụ đồ lễ trước động Hương tích có giá cao hơn: Ví dụ một cành lộc được chủ hàng phát giá có giá từ 10 - 15.000 đồng/cành; đồ lễ “hũ gạo”, “hũ vàng” có giá 40.000 - 80.000 đồng/hũ, “núi vàng” có giá 180.000 đồng nhưng nếu khách hàng mặc cả thì giá có thể giảm được 30%.

Một số du khách cho biết: Năm nay giá vé vào Chùa Hương tăng 14.000 đồng/vé so với năm ngoái, tuy nhiên giá vé vào cửa cũng như giá đò đều được niêm yết công khai. Dịch vụ đò chất luợng cao có giá 40.000 đồng/người, đò chèo tay là 35.000 đồng/người.

Tại Phủ Tây Hồ vào mùng 8, 9 Tết đã không còn cảnh chen lấn xô đẩy; không có hiện tượng người bán hàng rong chèo kéo khách mua hàng. Dịch vụ đổi tiền lẻ tại Phủ diễn ra khá sôi động. Nếu khách đổi loại tiền 500 đồng thì đổi 140.000 đồng, thu về 100.000 đồng; đổi 130.000 đồng loại tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng thì thu về là 100.000 đồng.

Loạn giá trông xe, thuê xe

Đã từ lâu, người dân đã quá quen thuộc với cảnh loạn phí trông xe, nhất vào dịp lễ Tết. Tại các đình, chùa lớn ở Hà Nội, giá gửi xe máy và ô tô khiến nhiều người giật mình. Ngày 7 Tết (tức ngày 30/1), giá gửi xe ô tô tại Phủ Tây Hồ vẫn là 50.000 đồng/xe, xe máy là 10.000 đồng/chiếc, tăng gấp 4 - 5 lần so với giá vé quy định của Thành phố Hà Nội. Từ ngày 7, 8 Tết, giá vé ô tô một số nơi cũng giảm nhưng vẫn ở mức 30.000 đồng/xe. Với các dịch vụ khác, người dân có thể mặc cả hoặc không mua nhưng đi lễ đầu năm chọn chỗ gửi xe không thể mặc cả.

Trao đổi với Tin Tức, bác Văn Thế, phố Ngũ Xã, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Giá dịch vụ thuê xe ô tô tăng từ 100.000- 200.000 đồng/lần thuê so với giá ngày thường. Dịp này, khách hành hương thuê xe để đi Chùa Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Huơng (Hà Nội). Giá thuê xe 16 chỗ đi Yên Tử có giá trung bình từ 2,2- 2,5 triệu đồng/chuyến; xe 29 chỗ là 3,5 - 4 triệu đồng; xe 16 chỗ đi Chùa Hương có giá thuê khoảng 2 triệu đồng, xe 29 chỗ là 3 triệu đồng.

Minh Phương