02:23 16/02/2012

Dịch cúm gia cầm: Chưa có vắcxin phù hợp

Tính đến ngày 16/2, dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại 10 tỉnh, thành trên cả nước. Đáng chú ý là chúng ta vẫn chưa có vắcxin phù hợp đối với loại virút cúm mới này.

Tính đến ngày 16/2, dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại 10 tỉnh, thành trên cả nước. Đáng chú ý là chúng ta vẫn chưa có vắcxin phù hợp đối với loại virút cúm mới này.

Virút nhanh biến đổi

Theo Cục Thú y, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 18 xã, 15 huyện, tại 10 tỉnh trong cả nước. Hơn 20.000 con gia cầm đã bị tiêu hủy. So với năm ngoái, dịch bệnh xảy ra ở nhiều tỉnh hơn và số gia cầm bị tiêu hủy cũng nhiều hơn. “Dịch phân tán ở khắp cả ba miền, nhưng chưa có dấu hiệu phát dịch lớn”, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Tiêm vắcxin H5N1 cho đàn vịt tại vùng trọng điểm ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến dịch cúm bùng phát mạnh là quyết định ngừng tiêm vắcxin từ giữa năm 2011 của Bộ NN&PTNT.

Tuy nhiên, theo ông Năm, Việt Nam bắt đầu tiêm cúm gia cầm từ năm 2005, nhưng virút cúm gia cầm biến đổi nhanh, vắcxin cũ không hiệu quả, vắcxin mới sản xuất chưa phù hợp. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Cục Thú y đang tiếp tục tìm kiểm và thử nghiệm vắcxin mới trên thế giới, nhưng tới nay chưa thấy vắcxin nào hiệu quả hơn vắcxin cũ Re-5.

Cùng quan điểm trên, ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ thú y, Cục Thú y, cho biết: “Việc dừng tiêm vắcxin không phải là nguyên nhân khiến dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại mà do việc vận chuyển gia súc gia cầm dịp Tết tăng cao, thời tiết diễn biến bất thường...”.

Hơn nữa, nếu vắcxin không còn hiệu quả, “có tiêm cũng không thể đạt hiệu quả phòng chống dịch. Tuy dừng tiêm vắcxin nhưng Cục Thú y cũng đã khuyến cáo các địa phương tăng cường quản lí, phát hiện sớm ổ dịch để có biện pháp kịp thời”, ông Kỳ nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Năm cho rằng, Nhà nước không thể bao cấp về vắcxin mãi cho người dân. Người dân phải đóng góp một phần, cũng là để nâng cao trách nhiệm. Nhà nước có thể hỗ trợ những hộ khó khăn.

Về vấn đề vắcxin, tháng 5/2011, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng tiêm vắcxin cúm gia cầm đợt 1 năm 2011 và được chấp nhận. Theo ông Kỳ, sở dĩ Cục Thú y tham mưu cho Bộ NN&PTNT kiến nghị dừng tiêm vắcxin cúm gia cầm đợt 1 năm 2011 là do chủng virút cúm gia cầm đã biến đổi từ phân nhóm clade HA 2.3.4 sang phân nhóm clade HA 2.3.2, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, loại vắcxin hiện hành không có tác dụng đối với chủng virút mới này.

Chưa có vắcxin cho chủng virút mới

Theo tính toán, Việt Nam cần tới 60 triệu liều vắcxin nhưng hiện mới chỉ chủ động được 13 triệu liều. “Chúng tôi vừa cấp vắcxin phòng cúm gia cầm cho một số tỉnh như Thanh Hóa 1 triệu liều, Quảng Trị 1 triệu liều…”, ông Kỳ cho biết.

Hiện Cục Thú y đang đấu thầu đặt mua 100 triệu liều vắcxin (loại vẫn đang sử dụng trong nước), chủ yếu từ Trung Quốc để cấp cho 13 tỉnh phía Nam và nguồn dự trữ quốc gia. Còn loại vắcxin đối phó với chủng virút mới hiện vẫn chưa có quốc gia nào sản xuất được.

Theo phản ánh của địa phương, mặc dù Bộ NN&PTNT đã có quyết định tạm dừng tiêm vắcxin cúm gia cầm nhưng họ vẫn tự bỏ tiền ra tiêm phòng và đến nay đàn gia cầm của họ chưa mắc bệnh.

“Ý kiến cho rằng đơn vị tiếp tục tiêm vắcxin thì gia cầm không bị nhiễm bệnh là không có cơ sở vì chưa xác định được chủng virút cúm là nhánh A hay B. Hơn nữa, nhiều nơi không tiêm phòng nhưng cũng không có dịch bệnh xảy ra”, ông Kỳ nói.

Theo ông Kỳ, trước khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng tiêm vắcxin cúm gia cầm đợt 1 năm 2011, Cục Thú y đã cho làm thí nghiệm rất kỹ. Kết quả xác định loại vắcxin hiện hành chỉ có tác dụng tại 13 tỉnh phía Nam. Còn các tỉnh phía Bắc, chủng virút cúm mới chỉ có tác dụng từ 10 - 30%. Do đó, nếu có cho tiếp tục tiêm phòng thì tỷ lệ kháng bệnh cũng chỉ đạt 10 - 30%. Hơn nữa, theo kết quả kiểm tra thực tế tại các tỉnh phía Bắc và duyên hải miền Trung, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 60 - 70% nên hiệu quả phòng dịch không cao.

Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể lây lan, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống cúm gia cầm. Địa phương đôn đốc công tác phòng chống dịch, giám sát tới tận chuồng trại, quản lý kinh doanh giết mổ, chủ động nhân lực, vật lực chống dịch… đặc biệt, tuyên truyền người dân không ăn gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín.

Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y khuyến cáo: “Để chống lại dịch cúm gia cầm thì việc đảm bảo an toàn sinh học là rất quan trọng, vì đây là mùa gia cầm dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó, cần kiểm soát ngay cả những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vì nếu để lây lan ra diện rộng sang các trang trại lớn sẽ rất nguy hiểm”.

H.V