Trong tuyên bố đưa ra Ngày Ung thư thế giới 4/2, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge cảnh báo: "Tác động của đại dịch đối với việc điều trị bệnh ung thư trong khu vực không khác gì thảm họa".
Trong số 53 quốc gia thành viên của WHO ở khu vực châu Âu, bao gồm cả một số nước nằm ở Trung Á, cứ 3 nước lại có 1 nước đã phải đối mặt với các dịch vụ điều trị bệnh ung thư bị gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống y tế và hoạt động đi lại. Ông Kluge cho biết, một số quốc gia rơi vào tình trạng thiếu hụt các loại thuốc điều trị ung thư và nhiều nước đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong các ca chẩn đoán mắc ung thư, ngay cả những nước giàu nguồn lực.
Ông cũng lưu ý rằng tình trạng bất bình đẳng vốn tồn tại từ trước cũng đang ngày một gia tăng do khủng hoảng kinh tế, khiến nhiều người khó thực hiện các hành vi lành mạnh hoặc có thể tiếp cận với các dịch vụ phòng ngừa và chăm sóc y tế.
Thống kê của WHO cho thấy ở Hà Lan và Bỉ, trong giai đoạn lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên được áp đặt hồi năm 2020, số ca chẩn đoán mắc ung thư đã giảm 30-40%. Trong khi đó, tại Kyrgyzstan, Trung tâm Ung thư quốc gia cho biết con số này giảm tới 90%. Tình trạng chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc ung thư ở Anh được dự báo sẽ dẫn đến số ca tử vong do ung thư đại trực tràng tăng 15%, trong khi do ung thư vú là 9% trong 5 năm tới.
Theo WHO, trong những năm trước khi đại dịch bùng phát, các bệnh không lây nhiễm như ung thư, viêm đường hô hấp mãn tính và bệnh tiểu đường là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và khuyết tật ở khu vực châu Âu, chiếm hơn 80% số ca tử vong.
WHO cho biết có kế hoạch vận động chính quyền các nước thúc đẩy sáng kiến về ung thư, theo đó tập trung chủ yếu vào công tác phòng ngừa, phát hiện sớm và đảm bảo mọi người có thể được chẩn đoán và điều trị.