Tỉnh Lâm Đồng cần xây dựng lại phương án sắp xếp các đơn vị hành chính mới

Ngày 22/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành và UBND các địa phương Đà Lạt, Bảo Lộc, Lạc Dương và Bảo Lâm khẩn trương tập trung thực hiện hoàn thành đầy đủ hồ sơ Đề án phân loại đô thị trước ngày 5/6/2024.

Chú thích ảnh
Một góc thành phố Đà Lạt - trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Đây là những địa phương nằm trong Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, đô thị thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030".

Đối với 2 thành phố trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng dự kiến nhập huyện Lạc Dương có dân số trên 35.600 người, diện tích hơn 1.300 km2 vào thành phố Đà Lạt. Sau khi sắp xếp, thành phố Đà Lạt sẽ có dân số 293.649 người và diện tích tự nhiên 1.705 km2. Khu vực nội thị gồm 12 phường thuộc thành phố Đà Lạt hiện hữu và thị trấn Lạc Dương sẽ trở thành phường Lang Biang. Như vậy, sau khi sáp nhập, thành phố Đà Lạt sẽ có diện tích tăng gấp 4,3 lần diện tích hiện hữu, nhưng dân số chỉ tăng gần 1,14 lần.

Theo phương án hiện tại, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề xuất, thành phố Đà Lạt sau sắp xếp sẽ phải hạ từ đô thị loại I trực thuộc tỉnh xuống đô thị loại II do giảm tiêu chí về mật độ dân số. Mặc dù đô thị thuộc vùng Tây Nguyên được áp dụng các điều kiện đặc thù nhưng việc sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt sẽ ảnh hưởng đến các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, đánh giá kỹ các phương án, phạm vi sắp xếp để hạn chế tối đa tác động chất lượng đô thị và các tác động bất lợi khác nếu phải hạ loại đô thị.

Tỉnh dự kiến sáp nhập 5 xã của huyện Bảo Lâm là: Lộc An, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc và Lộc Tân với dân số trên 65.700 người, diện tích tự nhiên 364 km2 vào thành phố Bảo Lộc. Thành phố Bảo Lộc sau khi sắp xếp sẽ có dân số gần 262.000 người, diện tích tự nhiên 598 km2. Khu vực nội thị của thành phố sau khi sắp xếp sẽ có 6 phường hiện hữu và 2 phường mới hình thành.

Theo Bộ Xây dựng, phương án sắp xếp, mở rộng thành phố Bảo Lộc phải đảm bảo toàn bộ diện tích đơn vị hành chính và các phường nội thị phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt. Tuy nhiên, theo phương án hiện tại của tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ số phường mới đạt 53% so với tổng số đơn vị hành chính trên địa bàn, chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15, ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị". Do đó, tỉnh Lâm Đồng cần xây dựng lại phương án sắp xếp các đơn vị hành chính mới…

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Chậm phân loại đô thị với đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp
Chậm phân loại đô thị với đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp

Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản đề nghị địa phương thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; chương trình phát triển đô thị; đầu tư phát triển đô thị bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị và hướng dẫn rà soát quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, đánh giá phân loại để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị cấp huyện, cấp xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN