Tiền Giang xây dựng nông thôn mới nâng cao - Bài cuối: Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với liên kết chuỗi sản xuất

Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với kinh tế số là những giải pháp Tiền Giang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, Tiền Giang còn chủ động quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất gắn với liên kết chuỗi, triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Chú thích ảnh
Các đại biểu tỉnh Tiền Giang xem xét, đánh giá các sản phẩm đạt OCOP đợt 3 và đợt 4/2022. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Liên kết chuỗi giá trị nông sản

Tiền Giang là một trong các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước với hơn 80.000 ha, có sản lượng hàng năm trên 1,8 triệu tấn, trong đó, xoài là 2.600 ha, sầu riêng 22.000 ha, khóm (dứa) 14.460 ha, thanh long gần 9.000 ha… Ngoài ra, tỉnh còn có trên 15.000 ha nuôi trồng thủy sản, có sản lượng trên 360.000 tấn/năm.

Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình OCOP, Tiền Giang đã tập trung phát triển và công nhận được 180 sản phẩm, trong đó có 85 sản phẩm OCOP 3 sao, 95 sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sản phẩm đang được tỉnh đề nghị 5 sao.

Với tiềm năng, lợi thế trên, Tiền Giang tập trung mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa - dịch vụ của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước ổn định, bền vững, tiếp cận hệ thống phân phối tại các đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Bình Dương, Đồng Nai,...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Tiền Giang, việc phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với liên kết chuỗi sản xuất được tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay. Trong đó, giai đoạn 2019 - 2023, Tiền Giang có 27 dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt, triển khai thực hiện trên các lĩnh vực gồm: lúa, rau, chăn nuôi, trái cây.

Kết quả đã huy động 27 Hợp tác nông nghiệp, 52 doanh nghiệp (đầu vào, đầu ra), với gần 1.300 hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản. Có 26 Hợp tác xã làm chủ trì liên kết và 1 doanh nghiệp làm chủ trì liên kết.

Ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh có 30 hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia liên kết theo mô hình Cánh đồng lớn với diện tích khoảng 40.000 ha/năm. 26 hợp tác xã chuyên canh cây ăn trái đặc sản tham gia liên kết tiêu thụ với 150 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trái cây trên địa bàn. 20 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác sản xuất rau ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, thường xuyên với các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm sạch, sản lượng 2 - 3 tấn rau an toàn/cơ sở/ngày. 13 hợp tác xã chăn nuôi liên kết tiêu thụ ổn định với các hộ chăn nuôi theo mô hình chuỗi giá trị khép kín,…

Trong đó, nhiều mô hình liên kết mang lại hiệu quả như: Dự án liên kết giữa Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới với Công ty trách nhiệm hữu hạn Phước Lộc Thiên Hộ (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) quy mô 90 hộ, 100 ha. Thông qua dự án, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới đã xây dựng được vùng trồng lúa chất lượng cao, an toàn hướng hữu cơ xuất khẩu, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu hạt gạo hàng hóa. Hiện 2 sản phẩm gạo ST 24 và Nàng Hoa 9 của Hợp tác xã liên kết cùng doanh nghiệp đã được công nhận OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao.

Tại huyện Gò Công Tây, Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Hòa, xã Long Vĩnh triển khai kế hoạch liên kết tiêu thụ lúa với quy mô 56 hộ tham gia, diện tích canh tác gần 35 ha. Kế hoạch liên kết chặt chẽ được xây dựng theo chuỗi giá trị từ cung ứng giống, vật tư đầu vào với tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa gạo cho các thành viên tham gia.

Cụ thể, đầu vào liên kết với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cung ứng giống lúa, liên kết với hộ kinh doanh Năm Tài cung ứng vật tư nông nghiệp. Trong sản xuất, Hợp tác xã chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo tiêu chí VietGAP cho từng thành viên. Về đầu ra, Hợp tác xã liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinh Hiển tiêu thụ lúa hàng hóa…

Tại huyện Cai Lậy, ông Phạm Văn Nuôi, Giám đốc Hợp tác xã Cẩm Sơn, xã Cẩm Sơn cho biết, Hợp tác xã quản lý gần 780 ha sầu riêng chuyên canh, chủ yếu trồng các giống chất lượng cao: Ri6, Mong Thong. Hợp tác xã đã phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Nhonho Cần Thơ đầu tư xây dựng vùng trồng sầu riêng VietGAP trên diện tích 10 ha với 20 hộ dân tham gia.

Diện tích trên đã được chứng nhận đạt VietGAP, có hiệu lực 3 năm (2023 - 2025). Đặc biệt, để đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Hợp tác xã Cẩm Sơn đã lập hồ sơ đăng ký và được cấp 7 mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch trên gần 780 ha, đạt 100% diện tích vùng chuyên canh sầu riêng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết thêm, Tiền Giang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trương đầu tư công trình giao thông và thủy lợi phục vụ vùng nguyên liệu trái cây chế biến và xuất khẩu thuộc Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn 4 huyện, thị: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, thị xã Cai Lậy, gồm 6 hạng mục đường giao thông nông thôn và 4 công trình thủy lợi.

Đẩy mạnh liên kết giao thương

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, thời gian tới Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng phối hợp với tỉnh Tiền Giang tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ tỉnh Tiền Giang mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa bền vững.

Đồng thời, đề nghị tỉnh Tiền Giang hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương chủ trì, cũng như tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế như: Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam (FoodExpo) vào tháng 11/2023. Các chương trình giao thương diễn ra tại Đức, Slovenia, Anh, Trung Quốc, các nước Mỹ Latinh và các hội chợ chuyên ngành có uy tín trên thế giới diễn ra trong những tháng cuối năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục triển khai phối hợp và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác với tỉnh Tiền Giang nói riêng và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối giao thương. Đồng thời, phát huy vai trò cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của các vùng trên khắp cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, đến năm 2025, tỉnh hỗ trợ xây dựng 109 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không kiểm soát được chất lượng và giúp kết nối tiêu thụ ổn định, bền chặt.

Trong đó, phấn đấu có 30 - 40 chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm làm mô hình điểm để nhân rộng, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp với giá trị tăng thêm từ 3 - 3,5%/năm đến năm 2025.

Để thực hiện mục tiêu này, Tiền Giang tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao năng lực kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ như: chính sách hỗ trợ về hạ tầng, hỗ trợ cán bộ trẻ, đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đạt chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tham gia liên kết tiêu thụ theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ hợp tác xã giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho Hợp tác xã để nâng cao năng lực chế biến, bảo quản; đảm bảo hạ tầng logistics đồng bộ trong vùng sản xuất; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc ở hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp, cập nhật kiến thức, thông tin thị trường để nâng cao năng lực kinh doanh, kỹ năng quản lý cho hợp tác xã.

Tiền Giang định hướng xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động với quy mô liên xã, liên huyện với những sản phẩm chủ lực của địa phương để mở rộng quy mô sản xuất và thành viên. Khắc phục tình trạng hợp tác xã nhỏ lẻ, hoạt động hình thức, cũng như phát triển các mô hình hợp tác xã liên kết hợp tác và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, từ đó phát triển các sản phẩm từ các chuỗi liên kết thành sản phẩm OCOP.

Cùng đó, tỉnh còn lồng ghép thực hiện hỗ trợ Hợp tác xã trong triển khai thực hiện các chính sách của ngành như: chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; chính sách hỗ trợ sản xuất an toàn; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và áp dụng công nghệ số trong quản lý điều hành vùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện cho các Hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tìm đối tác để liên kết, liên doanh trong sản xuất kinh doanh.

Trí Bình - Chí Nguyên (TTXVN)
Tiền Giang xây dựng nông thôn mới nâng cao - Bài 2: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Tiền Giang xây dựng nông thôn mới nâng cao - Bài 2: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Tại Tiền Giang, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được xác định là nhiệm vụ, giải pháp trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của các cấp, ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN