Tiền Giang: Tranh thủ lấy nước ngọt khi độ mặn trên sông Tiền giảm

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, ngày 2/5, tại các điểm đo mặn trên sông Tiền ghi nhận độ mặn đều giảm so với ngày hôm trước.

Chú thích ảnh
Cống Nguyễn Tấn Thành trước khi mở để lấy nước vào bên trong kênh. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Cụ thể, tại cống Xuân Hòa, độ mặn cao nhất đo được là 2,17 gr/lít, giảm 0,23 gr/lít so với ngày hôm trước, thấp hơn 0,83 gr/lít so với cùng kỳ năm trước. Tại điểm đo cầu Trường Chính Trị (thành phố Mỹ Tho), độ mặn cao nhất là 0,55 gr/lít, giảm 0,09 gr/lít so với ngày 1/5 và thấp hơn 0,39 gr/lít so với cùng kỳ năm 2023. Tại điểm đo cầu Xoài Hột (Châu Thành), độ mặn cao nhất là 0,33 gr/lít, giảm 0,04 gr/lít và thấp hơn 0,17 gr/lít so với cùng kỳ năm 2023. Tại điểm đo cầu Kênh Xáng (Châu Thành), độ mặn cao nhất là 0,06 gr/lít, giảm 0,12 gr/lít so với ngày 1/5 và thấp hơn 0,17 gr/lít so với cùng kỳ năm 2023.

Nhờ độ mặn trên sông Tiền đang giảm, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tranh thủ thời cơ vận hành cống Xuân Hòa lấy thêm nước ngọt khi điều kiện cho phép (lấy gạn) bổ sung nguồn nước trữ trong nội đồng phục vụ phòng, chống hạn, tưới tiêu cho khoảng 37.000 ha vùng dự án ngọt hóa Gò Công vừa phục vụ dân sinh phía Đông tỉnh. Qua đó, góp phần giảm áp lực về nhu cầu nước tưới tiêu, sinh hoạt, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân những ngày hạn mặn diễn biến phức tạp trong mùa khô 2023 – 2024 tại khu vực này.

Mặt khác, cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu Kênh Xáng thông ra sông Tiền cũng mở, vận hành tự do để lấy nước phục vụ sản xuất và đời sống trong nội đồng dự án Bảo Định và khu vực Đồng Tháp Mười thuộc hai tỉnh Tiền Giang và Long An.

Các cống trên đường tỉnh 864 thuộc địa bàn hai huyện Châu Thành và Cai Lậy nằm về phía thượng lưu sông Tiền đang mở lấy nước ngọt tăng cường đưa vào các kênh rạch nội đồng trữ ngọt đảm bảo tưới tiêu cho vùng trồng cây ăn quả đặc sản phía Tây tỉnh; trong đó có trên 20.000 ha sầu riêng xuất khẩu tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây (Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân cần tăng cường nạo vét ao mương vườn trữ ngọt phục vụ tưới tiêu, phòng, chống hạn mặn cũng như áp dụng đồng bộ các biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa hạn mặn như: Tăng cường sử dụng phân hữu cơ nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trồng; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ cao thâm canh cây trồng, dùng rơm rạ ủ gốc cây giữ ẩm cũng như chủ động trữ nước ngọt trong ao mương vườn, tiết kiệm nguồn nước, giữ vệ sinh nguồn nước, phòng, tránh ô nhiễm…

Trước đó, để ứng phó tình hình thời tiết, thủy văn dự báo diễn biến phức tạp trong mùa khô 2023 - 2024, địa phương đầu tư trên 1.380 tỷ đồng triển khai hai Dự án thủy lợi trọng điểm phía Tây gồm: Dự án Đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền và Dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành tiếp giáp sông Tiền nhằm bảo vệ các vùng trồng cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh như sầu riêng, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, sa pô chê,…

Hiện nay, các công trình thủy lợi đầu mối kể trên cơ bản hoàn thành đưa vào vận hành đang phát huy hiệu quả, giúp tỉnh phòng, chống hạn mặn hữu hiệu, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ an toàn sản xuất và đời sống nhân dân.

Minh Trí (TTXVN)
Cảnh sát biển hỗ trợ nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn
Cảnh sát biển hỗ trợ nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn

Ngày 20/4, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã sử dụng 2 sà lan chở 1.200 mét khối nước ngọt sinh hoạt để hỗ trợ cho bà con nhân dân huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN