Tiền Giang thêm 33 sản phẩm được công nhận OCOP

Ngày 20/10, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Tiền Giang đã tổ chức họp, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt II, năm 2022.

Chú thích ảnh
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang, xem xét sản phẩm trước khi đánh giá. 

Đợt này, có 33 sản phẩm của 22 chủ thể được công nhận OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 18 sản phẩm đạt 3 sao và 15 sản phẩm đạt 4 sao. Đến nay, tỉnh có 148 sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng vùng miền được công nhận OCOP cấp tỉnh. Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 200 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

Các sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh lần này đa dạng, phong phú, đặc trưng cho từng vùng, miền, được thị trường ưa chuộng như bánh tráng rế, bánh tét, mật ong, sầu riêng đông lạnh, lạp xường… đến từ các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây đến thanh long ruột đỏ, các loại mắm, rượu đặc sản… của các huyện ven biển phía Đông.

Ông Phạm Văn Trọng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhận xét, OCOP là một chương trình hết sức thiết thực, một sân chơi bổ ích, có ý nghĩa sâu sắc, giúp các chủ thể có điều kiện phát huy tay nghề, sở trường và nỗ lực phục hồi phát triển ngành nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, giúp xúc tiến thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu địa phương trên thị trường; góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm hàng hóa nói chung.

Chú thích ảnh
Các đại biểu đánh giá sản phẩm OCOP đợt II. 

Sau khi được đánh giá, công nhận và phân hạng sản phẩm, các chủ thể cần tiếp tục khắc phục những hạn chế mà Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã chỉ ra cho từng sản phẩm của mình; chú trọng hoàn thiện về mẫu mã, bao bì, giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia thị trường, tạo sức lan tỏa và khẳng định thương hiệu OCOP cấp tỉnh của sản phẩm, tạo uy tín đối với khách hàng - ông Phan Văn Trọng nhấn mạnh.

Ngoài ra, các ngành nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, công thương… cần tiếp tục hỗ trợ cho chủ thể sản phẩm OCOP cấp tỉnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm, mở rộng thi trường, đẩy mạnh lưu thông phân phối, tích cực đưa sản phẩm đến người tiêu dùng cũng như gắn kết với cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Qua đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng trong nước tiếp cận nguồn hàng, sử dụng được ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, đạt tiêu chuẩn OCOP của Tiền Giang. Từ đó, góp phần phục hồi, phát triển những ngành nghề truyền thống địa phương, tạo việc làm và an sinh xã hội trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu COVID-19.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Chất lượng làm nên thương hiệu cho sản phẩm OCOP
Chất lượng làm nên thương hiệu cho sản phẩm OCOP

Đắk Lắk đang tập trung nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với những lợi thế về địa hình, thiên nhiên, văn hóa, thổ nhưỡng… địa phương đặt mục tiêu phát triển thêm nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN