Thả con giống xuống sông Hồng để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Chiều 1/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định tổ chức thả 1 triệu con giống thủy sản các loại xuống sông Hồng (đoạn qua địa bàn xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản; đồng thời phát động Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2022.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, Chi cục Thủy sản tỉnh cùng đại diện Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản thả giống thủy sản xuống sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định bà Hoàng Thị Tố Nga, tỉnh hiện có 72 km bờ biển và 3 sông lớn chảy qua là: sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ với trên 17.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, thuận lợi để phát triển sản xuất thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt trên 175.570 tấn, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 11.000 tỷ đồng, chiếm 31% tỷ trọng cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản tăng 6,7% so với năm 2020.

Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra ở một số địa phương, nhất là việc tàu cá lén lút sử dụng điện để khai thác thủy sản; khai thác ở những khu vực cấm khai thác thủy sản như: Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy); khu vực cấm khai thác có thời hạn ven biển thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy); lưu vực sông Hồng đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng sử dụng ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Thời gian qua, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã kiểm tra, phát hiện và xử lý các tàu cá vi phạm, phạt tiền hàng trăm triệu đồng.

Để tăng cường bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các vi phạm nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, có giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng; vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ gìn vệ sinh môi trường; tái tạo nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao; quản lý hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản, ngăn chặn tình trạng khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định...

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ Phó phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cùng với các biện pháp cấp bách hạn chế tình trạng khai thác quá mức, khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, tái tạo nguồn lợi thủy sản giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững ngành thủy sản.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng đề nghị, thời gian tới, chính quyền địa phương, nhân dân Nam Định tiếp tục hưởng ứng và có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường nói chung và môi trường khu vực nuôi thủy sản để hạn chế tác động tiêu cực đến quá trình sinh trưởng, phát triển của con nuôi cũng như chất lượng sản phẩm thủy sản.

Tin, ảnh: Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Đồng Nai thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản
Đồng Nai thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Ngày 1/4, tỉnh Đồng Nai tổ chức Lễ phát động thả cá giống nhằm tuyên truyền và thực hiện việc tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên ở khu vực sông Đồng Nai tại chùa Phước Thạnh Cổ Tự, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu. Đây cũng là hoạt động chào mừng Kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2022).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN