Sẽ nâng cấp hoạt động chợ Bà Rịa theo hướng kinh doanh hiện đại

Trước thực trạng tiểu thương tại chợ Bà Rịa ngày càng buôn bán ế ẩm và nhiều kiốt, hàng sạp phải đóng cửa nghỉ bán, UBND thành phố Bà Rịa đã phê duyệt Đề án nâng cấp hoạt động chợ Bà Rịa theo hướng kinh doanh hiện đại.

Chú thích ảnh
Kiot ngay giữa tòa nhà trung tâm thương mại chợ Bà Rịa nhưng phải đóng cửa do buôn bán quá ế ẩm. 

Chợ Bà Rịa là chợ đầu mối lớn nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là nơi tập trung và phân phối nguồn hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân thành phố Bà Rịa cũng như toàn tỉnh. Thế nhưng, từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát rất nhiều kiốt nhất là các kiốt của các tiểu thương buôn bán tại khu trung tâm thương mại của chợ này đã phải đóng cửa do buôn bán quá ế ẩm, người bán nhiều hơn nhiều mua.

Buôn bán "ế ẩm"

Có mặt tại Khu trung tâm thương mại chợ Bà Rịa vào những ngày đầu tháng 2, dù đang là ngày cuối tuần nhưng các gian hàng tại khu vực chợ, nhất là khu vực Trung tâm thương mại bày bán quần áo, giày dép, đồ gia dụng, các cửa hàng may mặc… đều rất ít khách ghé xem và mua hàng. Nhiều kiốt phải đóng cửa và đề bảng cho thuê lại, nhiều cửa hàng đã chuyển đi nhưng sau thời gian dài cũng không có người tới thuê lại cửa hàng, khiến nhiều cửa hàng, kiốt rơi vào cảnh hoang tàn, vắng lạnh. Nhiều kiốt đang hoạt động thì người bán ngồi “ngáp” dài, người bán tụ tập ngồi nói chuyện phiếm.

Bà Nguyễn Thị Loan, có tiệm may hoạt động tại tầng 2 của chợ Bà Rịa chia sẻ, bà mở tiệm may ở đây từ năm 2000. Những năm đầu còn có nhiều khách hàng tới tiệm của bà, nhưng càng về sau số lượng khách ngày càng ít đi, có khi cả tuần mới có 1 đến 2 khách ghé tiệm. Việc buôn bán ế ẩm khiến bà và nhiều tiểu thương rất buồn rầu và lo lắng.

Một tiểu thương chuyên buôn bán hàng mỹ phẩm, vali, túi xách ở tầng lửng đã buôn bán tại chợ Bà Rịa gần 20 năm cũng cho biết, việc buôn bán ngày càng ế ẩm, có những ngày không có lấy một khách hàng ghé cửa hàng của bà. Hàng hóa ế ẩm, khiến bà cũng như nhiều tiểu thương rất buồn rầu.

Ông Lê Thanh Phong, Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Rịa chia sẻ, nguyên nhân khiến lượng khách đến tham quan, mua sắm tại khu vực trung tâm thương mại chợ Bà Rịa giảm mạnh là do khách hàng thay đổi thói quen mua sắm, mua sắm online hay mua gần nhà qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Hiện nay, trên địa xung quanh chợ Bà Rịa xuất hiện nhiều cửa hàng thuộc các hệ thống bán lẻ thực phẩm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi như: WinMart+, Co.opFood, Bách Hóa Xanh, các shop thời trang bán giày, dép, quần áo, mỹ phẩm…

Các chuỗi cửa hàng này là một trong những kênh mua sắm mới ngày càng được người tiêu dùng quan tâm cạnh tranh khốc liệt với chợ truyền thống. Chính điều này khiến sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ truyền thống như chợ Bà Rịa giảm mạnh; trong đó, những mặt hàng như hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép... bị tác động nhiều nhất.

Được biết, Khu trung tâm thương mại chợ Bà Rịa đã được Nhà nước đầu tư xây dựng mới năm 1996, quy mô là gần 14.400 m2, tổng vốn đầu tư hơn 53 tỷ đồng, gồm 4 tầng và 1 tầng hầm, thiết kế 950 quầy/sạp, khang trang, hiện đại, nhưng 5 - 7 năm qua tiểu thương khai thác không hiệu quả, tỷ suất sinh lợi rất thấp, nhất là các mặt hàng quần áo, đồ dùng gia đình, hàng tiêu dùng cá nhân… Theo thống kê của Ban Quản lý chợ Bà Rịa, tại khu nhà trung tâm thương mại hiện có đến khoảng 50% các kiốt, hàng sạp đã phải đóng cửa do buôn bán quá ế ẩm.

Nâng cấp chợ theo hướng kinh doanh hiện đại

Chú thích ảnh
Siêu thị Hòa Hạnh - một trong những siêu thị trước đây bán khá đông khách của chợ Bà Rịa nay cũng phải đóng cửa trả lại mặt bằng cho Ban quản lý chợ. 

Trước thực trạng tiểu thương tại chợ Bà Rịa ngày càng buôn bán ế ẩm và nhiều kiốt, hàng sạp phải đóng cửa nghỉ bán, UBND thành phố Bà Rịa đã phê duyệt Đề án nâng cấp hoạt động chợ Bà Rịa theo hướng kinh doanh hiện đại.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Bà Rịa thông tin về đề án này, cụ thể là đến 2023 chợ Bà Rịa sẽ đổi mới phương thức khai thác, quản lý để đưa tòa nhà trung tâm thương mại của chợ hoạt động hiệu quả, đúng công năng, đúng tiêu chí văn minh hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng thương mại tại chợ; chỉnh trang trật tự, quy hoạch ngành hàng thực phẩm tươi sống của chợ, đáp ứng tiêu chí chợ văn minh, hiện đại và an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo niềm tin đối với người tiêu dùng mua hàng hóa tại chợ.

Đến năm 2025, chợ Bà Rịa giữ vững thương hiệu là chợ đầu mối của tỉnh và của thành phố Bà Rịa, là nơi tập trung và phân phối nguồn hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân thành phố; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tham gia vào chuỗi giá trị phân phối các luồng hàng lớn đến các cơ sở chế biến, các nhà xuất khẩu, chi phối thị trường bán lẻ trong và ngoài thành phố.

Chợ Bà Rịa trở thành chợ điển hình về sự kết hợp giữa chợ truyền thống và phương thức trao đổi hàng hóa văn minh, hiện đại; vừa duy trì và phát huy được các yếu tố truyền thống đặc trưng của chợ vừa đáp ứng các nhu cầu mua bán đa dạng của thị trường, là điểm đến của du khách đến thành phố Bà Rịa.

Theo đó, có 5 nhiệm vụ chính được đề ra tại đề án này, đó là UBND thành phố sẽ giao cho Ban Quản lý chợ Bà Rịa điều chỉnh quy hoạch ngành hàng tại tòa nhà chợ chính trung tâm thương mại; chỉnh trang một số khu vực kinh doanh ngoài nhà lồng và chợ đầu mối đêm. Bên cạnh đó, hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử; đầu tư xây dựng mới nhà lồng chợ tươi sống và cổ phần hóa Ban Quản lý chợ Bà Rịa.

Cụ thể, UBND thành phố Bà Rịa giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý chợ Bà Rịa sẽ tiến hành sắp xếp, đổi mới ngành hàng tại tòa nhà trung tâm thương mại chợ Bà Rịa tại các tầng 1 và tầng 2, dưới hình thức một trung tâm đổi mới sáng tạo.

Theo đó, sẽ chuyển đổi các kiốt trong phạm vi tầng 1 và 2 thành nơi trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm mới thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, gồm: sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, trang thiết bị công nghệ, vật tư, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, phương pháp canh tác… Thiết kế gian hàng, quầy, sạp và phương thức tổ chức, cho thuê gian hàng tương tự như hình thức hội chợ, triển lãm với thời gian kéo dài từ 3 - 6 tháng.

Ngoài việc sắp xếp, đổi mới ngành hàng tại tòa nhà trung tâm thương mại của chợ Bà Rịa, UBND thành phố Bà Rịa cũng đã có kế hoạch đầu tư xây dựng mới khu vực nhà lồng tươi sống khang trang, hiện đại hơn; chỉnh trang một số khu vực kinh doanh ngoài nhà lồng và chợ đầu mối đêm, chợ “tự tiêu tự sản” hiện đang hoạt động 24/7, với khoảng 400 điểm kinh doanh. Được biết, tổng vốn đầu tư cho xây mới, chỉnh trang, sắp xếp lại chợ Bà Rịa là gần 196 tỷ đồng.

Hy vọng với việc triển khai đề án này trong các năm từ 2023 - 2025, chợ Bà Rịa sẽ ngày càng được nâng cấp hoạt động theo hướng kinh doanh hiện đại, tiểu thương không còn cảnh buôn bán ế ẩm, phải đóng cửa hàng.

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
'Chợ tỉnh' - sản phẩm du lịch độc đáo của Ninh Bình
'Chợ tỉnh' - sản phẩm du lịch độc đáo của Ninh Bình

Trên tinh thần kết nối truyền thống văn hóa chợ, văn hóa vùng miền và quảng bá sản phẩm sạch, Hợp tác xã Sinh Dược, tỉnh Ninh Bình tổ chức phiên "Chợ tỉnh" tại các địa điểm du lịch của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN