Quảng Ninh: Xóa nhà tạm, nhà dột nát không dừng lại là một chủ trương

Theo rà soát mới nhất, tỉnh Quảng Ninh hiện có 246 hộ thuộc diện nhà tạm, dột nát cần hỗ trợ sửa chữa, xây mới.

Chú thích ảnh
Thị xã Quảng Yên tiếp nhận ủng hộ kinh phí xóa nhà tạm, dột nát từ các xã, phường, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và trao ghi nhận Tấm lòng vàng. Thanh Vân/TTXVN

Để cụ thể hóa chủ đề công tác năm về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở dân cư trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã, tỉnh phấn đấu trong dịp Quốc khánh năm 2023 sẽ xóa hết số nhà tạm, nhà dột nát để cải thiện nhà ở, đảm bảo người dân có nhà ở an toàn, ổn định.

Nhiều hoàn cảnh cần “tiếp sức”

Ba mẹ con chị Cao Thị Doan ở thôn Nam 1 (xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên) sống trong căn nhà tạm được xây dựng từ hơn 20 năm trước. Đến nay, mái lợp bằng pro xi măng đã dột nát, xuống cấp trầm trọng. Chồng mất sớm, chị tần tảo mưu sinh nuôi hai con ăn học. Mới đây, chị không may bị tai nạn giao thông, khó khăn chồng chất khó khăn. Mơ ước có được ngôi nhà “3 cứng” thật khó khăn với mẹ con chị. May mắn trong đợt rà soát xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2023 của thị xã Quảng Yên, gia đình chị đã được lập danh sách để hỗ trợ sửa chữa. Chị Doan bày tỏ, mong muốn của chị là có được ngôi nhà chắc chắn để ba mẹ con có nơi ở ổn định, an toàn, không phải đi ở nhờ nhà người khác khi mưa bão đến. Chị vui mừng khi gia đình được chính quyền, đoàn thể và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ xây ngôi nhà mới.

Chú thích ảnh
Ngôi nhà "3 cứng" của bà Phạm Thị Nương dần hoàn thiện để thay thế cho căn nhà tạm xây dựng từ năm 1979. Ảnh: TTXVN phát

Cũng như nhiều đối tượng trong diện được xóa nhà tạm, bà Phạm Thị Nương (72 tuổi, hộ cận nghèo ở thôn Thành Long, xã An Sinh, thị xã Đông Triều) vui mừng cho biết, bà đang sống một mình trong nhà tạm khoảng 20 m. Những ngày mưa gió, bà phải sang nhà hàng xóm trú tạm vì sợ nhà bị đổ sập. Hiện nay, ngôi nhà cấp 4 đảm bảo “3 cứng” đang trong giai đoạn hoàn thành. Đây là niềm mơ ước mà trước đây bà không dám nghĩ đến. Với số tiền 50 triệu được hỗ trợ, cùng sự hỗ trợ của người thân, bà đã cân đối để xây dựng được ngôi nhà gần 70 m khang trang.

Với các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người yếu thế, neo đơn, hoàn cảnh khó khăn…, mơ ước có được ngôi nhà “3 cứng” là rất khó khăn nếu như không có sự chung tay, góp sức từ các nguồn lực. Để xóa nhà tạm, nhà ở dột nát, tỉnh đã kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa. Đây là chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn.

Hướng dẫn của Bộ Xây dựng xác định “nhà tạm, dột nát” là loại nhà xây dựng bằng vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo “3 cứng” là nền cứng, khung cứng, mái cứng, thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Chú thích ảnh
Bà Phạm Thị Nương (72 tuổi) xã An Sinh, thị xã Đông Triều vui mừng khi ngôi nhà "3 cứng" sắp hoàn thiện. Ảnh: TTXVN phát

Nỗ lực xóa nhà tạm

Theo rà soát của tỉnh, 10/13 địa phương có các hộ thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát. 3 địa phương không có các hộ thuộc diện trong dịp này (là huyện Cô Tô, Bình Liêu và thành phố Hạ Long). Địa phương có nhiều hộ thuộc diện này là thị xã Đông Triều với 83 hộ, trong đó có 40 hộ xây mới, 43 hộ cần sửa chữa. Thị xã đã chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai đầu tư xây dựng 13 căn nhà. Với các công trình còn lại, địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội khác để hoàn thành mục tiêu trước ngày Quốc khánh 2/9/2023. Thị xã phấn đấu hoàn thành đầu tư theo Kế hoạch xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn trước ngày 30/9/2023.

Thông qua các kênh kêu gọi, các địa phương đã và đang tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay tạo nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nhiều địa phương đã huy động được cơ bản nguồn lực và đã giải ngân để các hộ triển khai xây mới, sửa chữa. Thị xã Quảng Yên đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng rà soát, huy động các nguồn lực xã hội hóa để tiếp tục thực hiện chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho các hộ trên địa bàn. Từ đầu năm 2023 đến nay, thị xã đã huy động, phát động, tiếp nhận ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, các nhân hỗ trợ kinh phí xây nhà với số tiền trên 3,2 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nên ở thôn Hạ 2 phường Tràng An, thị xã Đông Triều bị nứt tường, ngấm nước được hỗ trợ sửa chữa trong năm 2023. Ảnh: TTXVN phát

Ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên cho biết, năm 2023, địa phương còn 754 hộ cận nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều của Chính phủ, theo chuẩn nghèo mới của tỉnh Quảng Ninh dự kiến còn 782 hộ. 55 hộ cần xóa nhà tạm, nhà dột nát theo rà soát của thị xã; trong đó có 44 nhà xây mới và 11 nhà sửa chữa. Hiện nay, địa phương tiếp tục kêu gọi các nguồn lực ủng hộ thông qua Quỹ vì người nghèo.

Theo các địa phương, toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được phân bổ công khai, minh bạch để hỗ trợ các gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, hộ người khuyết tật, hộ neo đơn, người cao tuổi xây mới, sửa chữa nhà, qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ dừng lại ở một chủ trương mà còn mang ý nghĩa to lớn về giá trị nhân văn, từng bước rút ngắn khoảng cách về chất lượng đời sống trong nhân dân, là chương trình ý nghĩa chào mừng 60 năm kỷ niệm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh trong tháng 10/2023.

 Thanh Vân (TTXVN)
Cao Bằng: Ưu tiên nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát
Cao Bằng: Ưu tiên nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ngày 26/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN