Phú Yên: Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trên ba trụ cột

Ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Phú Yên, đã trao đổi với báo chí về việc đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của tỉnh.

Chú thích ảnh
Ngày hội chuyển đổi số tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: TTXVN phát

Xin ông cho biết những kết quả chuyển đổi số của tỉnh Phú Yên đã đạt được trong thời gian qua?

Một trong những nội dung tỉnh đã tập trung thực hiện trong thời gian qua là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về chuyển đổi số trong các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, hạ tầng số, nền tảng số, mạng di động băng rộng cũng được đầu tư, phát triển, phủ sóng rộng khắp các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo làm việc trên môi trường mạng. Tỉnh cũng đã triển khai kết nối, tích hợp chữ ký số lên các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện.

Về dữ liệu số, hiện nay tỉnh đã đầu tư, đưa vào hoạt động các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức.

Một số phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được xây dựng và triển khai tại một số cơ quan như: Phần mềm kế toán của tất cả các sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố; quản lý các đối tượng người có công của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; quản lý cấp phép lái xe...

Lĩnh vực chính quyền số, UBND tỉnh đang thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý qua mạng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đã kết nối với nền tảng thanh toán tập trung trên Cổng dịch vụ công quốc gia, triển khai thanh toán trực tuyến các dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình của tỉnh có phí, lệ phí.

Về kinh tế số, UBND tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử và đang từng bước hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử như voso, postmart.

Về phát triển xã hội số, hiện 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được kết nối cáp quang đến trung tâm; phủ sóng điện thoại 3G, 4G đến thôn, buôn; tỉ lệ dân số có điện thoại thông minh ước đạt 75,05%; tỉ lệ hộ gia đình có đường truyền internet cáp quang băng rộng ước đạt 67,58%. Các cơ sở giáo dục đã ứng dụng phần mềm quản lý vào dạy và học; các cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID thay cho thẻ BHYT giấy; các trạm y tế cấp xã đã triển khai ứng dụng hệ thống quản lý thông tin y tế, đơn thuốc điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, lập hồ sơ sức khỏe điện tử… Các tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số thiết yếu...

Qua một thời gian triển khai, những vấn đề nổi cộm cần được ưu tiên giải quyết là gì, thưa ông?

Hiện nay, hạ tầng số, các nền tảng số chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Nhiều cơ sở dữ liệu triển khai còn chậm; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả… Đây là những vấn đề cần được ưu tiên khắc phục trong thời gian tới.

Tiếp đó cần xem xét nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các hoạt động đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử chỉ mới áp dụng với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và các hộ điển hình; còn lại đối với đại đa số hộ sản xuất kinh doanh vẫn còn mới, tiếp cận công nghệ thông tin còn chậm nên cần phải đẩy mạnh công tác hỗ trợ hơn nữa.

Ngoài ra, việc triển khai thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình còn một số hạn chế, bất cập nên người dân gặp khó khăn khi thanh toán trực tuyến. Vấn đề này phải nhanh chóng khắc phục.

Chú thích ảnh
Ngành Điện lực hướng dẫn người dân huyện Sông Hinh tiếp cận với các app chăm sóc khách hàng và các dịch vụ của Điện lực. Ảnh: TTXVN phát.

Hiện nay, tại nhiều địa phương, tốc độ chuyển đổi số vẫn còn chậm. Theo ông, làm thế nào để khắc phục?

Để có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, các địa phương cần chủ động phối hợp các đơn vị tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đảm bảo cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên toàn trình; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến; triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao tỉ lệ hồ sơ trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính.

Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, trong đó tập trung triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và triển khai các dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn tỉnh để phục vụ chuyển đổi số. Đồng thời đẩy mạnh phát triển xã hội số, phổ cập dịch vụ internet băng rộng đến hộ gia đình và phủ sóng di động 4G/5G; khuyến khích doanh nghiệp triển khai nền tảng thanh toán điện tử, ví điện tử. Các địa phương tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ quản trị mạng của các cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng; tập huấn kỹ năng cho các tổ công nghệ số cộng đồng qua nền tảng đại trà trực tuyến Onetouch của Bộ Thông tin và Truyền thông...

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông có kiến nghị gì để sớm tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới?

Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần quan tâm đến nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số; xem xét, cân đối lại biên chế công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số, cụ thể là biên chế công chức công nghệ thông tin tại Sở Thông tin và Truyền thông và phòng Văn hóa – Thông tin cấp huyện. Mỗi sở, ngành, địa phương cần được bố trí một công chức chuyên trách công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Tỉnh cần có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cán bộ chuyên trách, phụ trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin; cơ chế bồi dưỡng cho tổ công nghệ số cộng đồng từ nguồn ngân sách địa phương; vận động đoàn viên, thanh niên tham gia các phong trào thi đua phát huy sáng kiến chuyển đổi số cấp cơ sở.

Ngoài ra, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị nâng cao tỉ lệ hồ sơ trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính; chỉ đạo các ngành, địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới thông tin di động, xây dựng, phát triển các trạm BTS.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PV (thực hiện)
Phú Yên: Phấn đấu 60% người dân vùng núi có nguồn nước sạch sinh hoạt vào năm 2025
Phú Yên: Phấn đấu 60% người dân vùng núi có nguồn nước sạch sinh hoạt vào năm 2025

Tỉnh Phú Yên đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng tỷ lệ cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN