Phát triển hạ tầng giao thông kết nối giữa Lai Châu và Lào Cai

Ngày 1/3, tại thành phố Lai Châu đã diễn ra hội nghị Đánh giá kết quả hợp tác giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai năm 2023 và triển khai nhiệm vụ hợp tác năm 2024.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ phát biểu tại hội nghị. 

Về phương hướng hợp tác năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ và Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong đều nhất trí nhiều nội dung hợp tác quan trọng. Điển hình là việc phối hợp đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Lai Châu, Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông vận tải kết nối giữa hai tỉnh.

Hai tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thành phố Lai Châu; tuyến hành lang biên giới Phong Thổ - Bát Xát; giải quyết vướng mắc, khó khăn để thực hiện dự án hầm đường bộ đèo Hoàng Liên kết nối hai tỉnh; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, có những công trình trọng điểm tạo điều kiện để phát triển du lịch, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ…

Chú thích ảnh
Hội nghị Đánh giá kết quả hợp tác giữ tỉnh Lai Châu và tỉnh Lào Cai năm 2023 và triển khai nhiệm vụ hợp tác năm 2024.

Đặc biệt, hai tỉnh nghiên cứu, đề xuất các bộ, ngành trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sớm triển khai tuyến cao tốc Lào Cai - Lai Châu theo quy mô 4 làn xe, có điểm đầu giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Cảng hàng không Sa Pa, điểm cuối là cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu). Nếu tuyến cao tốc trên được triển khai, đây sẽ là bước đột phá quan trọng để hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai cùng nhau phát triển nhanh.

Trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu và Lào Cai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và triển khai thực hiện toàn diện các nội dung biên bản hợp tác. Các cấp ngành của hai tỉnh đã ban hành kế hoạch hợp tác cụ thể trong một số lĩnh vực như: xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường tổ chức giao lưu chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của mỗi ngành, địa phương; tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án trọng điểm liên vùng…

Các nội dung hợp tác được thực hiện toàn diện, thực chất, hiệu quả góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tỉnh và thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó cùng nhau phát triển giữa tỉnh Lai Châu và Lào Cai.

Chú thích ảnh
Đại diện lãnh đạo hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu tặng quà lưu niệm. 

Nhiều lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, xúc tiến đầu tư du lịch… được hai tỉnh hợp tác phối hợp hiệu quả trong năm 2023. Kết quả nổi bật như phối hợp thực hiện dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thành phố Lai Châu; dự án đường hành lang biên giới đoạn Phong Thổ (Lai Châu) - Bát Xát (Lào Cai); dự án hầm đường bộ đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa và huyện Tam Đường.

Bên cạnh đó, hai tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư khi tham gia hội chợ, hội nghị, diễn đàn với các tỉnh Tây Bắc và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, trung tâm logistics, chính sách đãi thu hút đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa; triển khai nhiều tuyến, tour du lịch như liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc; tuyến Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát (Lào Cai) - Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu); cùng khai thác hiệu quả khu du lịch đèo Ô Quý Hồ, vườn Quốc gia Hoàng Liên…

Mặc dù vậy, chương trình hợp tác vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nội dung hợp tác chủ yếu là chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thấp; hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp còn khó khăn…

Tin, ảnh: Nguyễn Oanh (TTXVN)
Giải quyết bài toán về hạ tầng giao thông để giảm 'sức ép' cho vùng lõi nội đô
Giải quyết bài toán về hạ tầng giao thông để giảm 'sức ép' cho vùng lõi nội đô

Khi giao thông phát triển, khoảng cách sẽ không còn là vấn đề cần cân nhắc, thì xu hướng dịch chuyển ra vùng ven nội đô, với không gian sống trong lành, hạ tầng đồng bộ, hiện đại là tất yếu. Xu hướng tích cực này không chỉ giúp giải quyết vấn đề quá tải giao thông đô thị, mà còn giúp doanh nghiệp phát triển các dự án có giá bán tốt hơn nhờ ưu thế về quỹ đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN