OCOP tạo 'vị thế' mới cho nông sản Tuyên Quang

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp đặc trưng của các địa phương đã được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị, chế biến sâu. Đến nay, nhiều sản phẩm đã “có sao, có vạch”, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, giúp giá trị các sản phẩm chủ lực được nâng cao. 

Chú thích ảnh
 Khu vực trồng nấm của gia đình anh Lưu Văn Khuya, Giám đốc HTX Nấm sạch Bình Yên, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). 

Anh Lưu Văn Khuya, Giám đốc Hợp tác xã Nấm sạch Bình Yên, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) chia sẻ, hợp tác xã được thành lập từ năm 2017, hiện đang có 9 thành viên. Với mong muốn cung cấp sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, hợp tác xã đã yêu cầu tất cả các thành viên xã cam kết thực hiện 4 không: “không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc bảo quản, chất kích thích, không dùng nước bẩn”; tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu cấy nấm vào bọc, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản.

Sau nhiều năm thực hiện trồng nấm theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh, năm 2020, tham gia Chương trình OCOP sản phẩm nấm sò tươi của hợp tác xã đã được đánh giá, phân hạng 3 sao. Đây là sản phẩm nấm sò tươi đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được xếp hạng OCOP.

Anh Khuya cũng cho biết thêm, từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, nấm sò của hợp tác xã được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn rất nhiều. Năm 2020, hợp tác xã trồng trên 20.000 bịch nấm, thu về trên 17 tấn nấm, với giá từ 25.000 -30.000 đồng/kg, đạt doanh thu trên 472 triệu đồng, đảm bảo thu nhập cho các thành viên… Hiện, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm nấm sò tươi của hợp tác xã còn được người dân ở các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Phú Thọ... đặt mua. Đây là cơ sở, động lực rất lớn để hợp tác xã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu…

Luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cũng là việc làm thường xuyên của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang). Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà cho biết, sản phẩm chủ yếu của hợp tác xã là chè Shan tuyết. Hiện, hợp tác xã đang có trên 64 ha chè Shan tuyết; trong đó, có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi và 35 ha chè trên 20 năm tuổi.

Theo ông Phố, trước đây, người dân địa phương chỉ chủ yếu trồng chè để phục vụ cho gia đình nên chưa chú ý đến việc chăm sóc chè, thu nhập từ cây chè hầu như không có. Do đó, năm 2014, ngay sau khi thành lập Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè Shan tuyết xã Hồng Thái (nay là Hợp tác xã Sơn Trà), hợp tác xã đã tiến hành ký kết liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm với người dân.

Đồng thời, hợp tác xã phối hợp với cán bộ ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn người dân chăm sóc chè theo tiêu chuẩn hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng việc đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất chè, quảng bá, xây dựng thương hiệu... Đặc biệt, sau thời gian tham gia sản xuất theo chu trình OCOP hiện nay hợp tác xã đã có 3 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP; trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. 

Ông Phố cũng cho biết thêm, đạt tiêu chuẩn OCOP sản phẩm của hợp tác xã đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, đầu ra cho sản phẩm đảm bảo ổn định hơn trước rất nhiều; giá trị sản phẩm cũng được nâng lên. Sản phẩm chè khô của hợp tác xã hiện bán ra thị trường có giá từ 250 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/kg. Năm 2020, hợp tác xã sản xuất và bán ra thị trường hơn 9 tấn chè khô các loại, thu về khoảng 4,4 tỷ đồng (tăng khoảng 1,4 tỷ đồng so với năm 2019). Đến nay, Hợp tác xã đã liên kết sản xuất, tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho 136 hộ dân trên địa bàn huyện Na Hang; thu nhập bình quân của các hộ đạt từ 5 - 9 triệu đồng/hộ/tháng.

Ông Lý Văn Thà, thôn Hồng Ba, xã Hồng Thái cho biết: "Gia đình tôi đang liên kết với Hợp tác xã Sơn Trà chăm sóc, quản lý 1 ha chè Shan tuyết. Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong thôn không chú ý đến việc chăm sóc cây chè vì bán được rất ít, giá trị kinh tế cũng thấp. Nhưng từ khi liên kết sản xuất với Hợp tác xã Sơn Trà, được cán bộ nông nghiệp xã, huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên chè cho năng suất cao, chất lượng tốt đảm bảo theo tiêu chuẩn. Chè bán được giá, được bao tiêu đầu ra nên thu nhập của người dân cũng cao hơn, nhiều hộ dân trong thôn nhờ trồng chè đã vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, nhờ trồng chè Shan tuyết, gia đình tôi thu nhập trung bình khoảng 8,5 triệu đồng/tháng".

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về thực hiện chương trình, sở đã phối hợp với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh rà soát, tất cả các sản phẩm có thế mạnh của địa phương đề hướng dẫn các chủ thể tham gia chu trình OCOP theo hướng lựa chọn những sản phẩm đã đủ điều kiện để chuẩn hóa lại hồ sơ theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”…

Chú thích ảnh
 Thu hoạch nấm sò tươi tại HTX Nấm sạch Bình Yên, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). 

Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 79 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên, đạt 106,8% kế hoạch. Trong số đó, có 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 62 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Tuyên Quang là tỉnh đứng thứ 5 trong các tỉnh miền núi phía Bắc về số sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên và đứng thứ 3 về tính bình quân số sản phẩm OCOP trên số xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Tuyên Quang vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số chủ thể sản xuất chưa xác định được mục tiêu, lợi ích khi tham gia Chương trình; nhiều sản phẩm đăng ký tham gia OCOP quy mô sản xuất ở mức độ nhỏ, sản lượng sản xuất ra chưa đảm bảo được tính ổn định, liên tục trong thời gian dài; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, sơ, giá trị gia tăng của sản phẩm đưa ra thị trường chưa cao. Nhiều cơ sở sản xuất còn khó khăn về nhà xưởng, khu bán hàng, giới thiệu sản phẩm…

Theo ông Nguyễn Văn Việt, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để chủ thể sản xuất, người dân hiểu và nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, chu trình thực hiện OCOP; thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp… để hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm…;

Sở đề xuất chính sách hỗ trợ để thực hiện Chương trình OCO; đồng thời, nghiên cứu và phát triển thị trường trong nước, tiến tới thị trường xuất khẩu; tập trung vào các thị trường mục tiêu, đề ra các giải pháp xúc tiến thương mại; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng; rà soát, lựa chọn hỗ trợ tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương tham gia đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên; ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm ngành thực phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ và trang trí…

Tin, ảnh: Vũ Quang (TTXVN)
Đồng Tháp: Đa dạng các sản phẩm từ khoai lang gắn với Chương trình OCOP
Đồng Tháp: Đa dạng các sản phẩm từ khoai lang gắn với Chương trình OCOP

Ngành hàng khoai lang ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp là một trong những ngành hàng được chọn tái cơ cấu nông nghiệp, được tỉnh hướng đến sản xuất chế biến theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN