Khơi dậy và tôn vinh truyền thống hiếu học của người dân Vĩnh Long

Ngày 18/2, tại Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ khai bút đầu Xuân Giáp Thìn năm 2024.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long thực hiện nghị thức khai bút đầu Xuân. 

Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã viết những dòng chữ đầu Xuân mới như: “Vĩnh sơn nghiệp thịnh, tân cốt cách", "Long đức trung chính, cổ tinh hoa", "Lương sư hưng quốc", "Ân sư vĩnh ký"…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, Lễ Khai bút đầu xuân là nét đẹp trong văn hóa của người Việt, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Trước tiên là cách để lưu giữ truyền thống, răn dạy cho con cháu đời sau tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học của các thế hệ đi trước. Ngay từ buổi đầu lập đất, người dân Vĩnh Long đã sớm thể hiện tinh thần cần cù, ham học hỏi, luôn có ý thức chăm lo và phát triển giáo dục, đưa vùng đất này trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước. Trong suốt chiều dài phát triển, nhiều nhân vật ưu tú đã làm rạng danh quê hương xứ sở, làm sâu sắc thêm truyền thống hiếu học đã có từ bao đời. 

Lễ khai bút đầu Xuân còn là dịp để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, gửi gắm niềm tin vào đội ngũ cán bộ quản lý ngành Giáo dục với mong muốn tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Vĩnh Long để không ngừng vươn lên; tiếp tục cùng đoàn kết, đổi mới để bắt kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ và xu thế hội nhập, phát triển của giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, các thầy cô hãy chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái, sự chăm chút đến với đồng nghiệp và các em học sinh. Bên cạnh đó, thầy cô quan tâm tạo động lực và niềm tin để học sinh trở thành người hợp tác với thầy cô và bạn bè trong việc chiếm lĩnh tri thức và hoàn thiện phẩm chất; biết trân trọng những nét văn hóa đẹp và truyền thống của người Việt Nam. Các thầy cô chú trọng rèn luyện chữ viết để rèn cho các em những đức tính cần thiết của một công dân hiện đại; nhanh nhạy, hoạt bát nhưng cũng phải cẩn thận, tỉ mỉ và suy nghĩ sâu sắc. Giáo viên cố gắng tự hoàn thiện mình để dẫn dắt học sinh bằng sự gương mẫu.

Chú thích ảnh
Gian trưng bày, trình diễn thư pháp tại buổi lễ. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc sống có thêm nhiều giá trị mới do sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại thì việc tìm về với nguồn cội, lưu giữ truyền thống; dạy cho học sinh sống có trách nhiệm, sống nghĩa tình, biết suy nghĩ và hành động đúng là rất cần thiết, là nhiệm vụ của mỗi nhà trường và toàn xã hội trong giáo dục học sinh. Với nét đẹp này của ngày Tết và lòng tự hào về quê hương, mỗi người hãy luôn hướng đến những điều tốt đẹp; cùng phấn đấu xây dựng con người Vĩnh Long “Yêu nước, Nhân ái, Nghĩa tình, Trung thực, Đoàn kết, Cần cù, Sáng tạo”.

Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra các hoạt động như: Hội thi viết thư pháp, hội thi mâm quả ngày Tết, hội thi “Văn hay – Chữa tốt”, cùng nhiều gian hàng trưng bày thư pháp, hoạt động trò chơi dân gian truyền thống... Các hoạt động nhằm khơi dậy, tôn vinh truyền thống hiếu học của người dân Vĩnh Long; hun đúc niềm tin và lòng tự hào của các thế hệ nhà giáo, học sinh Vĩnh Long với việc dạy và học; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hoá của tỉnh, đồng thời giới thiệu các loại hình nghệ thuật văn hóa trong đó có nghệ thuật viết thư pháp đến nhân dân.

Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Đặc sắc Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng
Đặc sắc Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng

Ngày 18/2 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng), tại khu vực Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Yên phối hợp với UBND huyện Tuy An tổ chức Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN