Hưng Yên thu ngân sách nhà nước vượt 5,16% dự toán cả năm

Theo Sở Tài Chính tỉnh Hưng Yên, từ đầu năm đến nay, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thực hiện trên 24.000 tỷ đồng, đạt 105,16 % dự toán giao cả năm.

Chú thích ảnh
Công nhân sản xuất lắp ráp các chủng loại xe đầu kéo, xe ben tải nặng từ 8 tấn đến 90 tấn tại Công ty TNHH Liên doanh Maz Asia (huyện Kim Động) có vốn đầu tư của Cộng hòa Belarus. Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hưng Yên Nguyễn Đức Tải, năm 2023, HĐND tỉnh giao thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 22.921 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 18.221 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 4.700 tỷ đồng. Tỉnh tiếp tục được giao tự bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước có điều tiết về Trung ương.

Trong 9 tháng năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trong tỉnh đang trên đà phục hồi và phát triển, tác động tích cực đến kết quả thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn như: tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, lãi vay, tỷ giá ngoại tệ vẫn duy trì ở mức cao, đơn hàng bị cắt giảm, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… dẫn tới tác động làm giảm số nộp ngân sách nhà nước ở một số lĩnh vực, nhất là nộp thuế từ hoạt động xuất, nhập khẩu.

Tính đến hết tháng 9/2023, ngành thuế tỉnh thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 21.489 tỷ đồng, đạt 117,94% dự toán giao cả năm. Trong cơ cấu thu nội địa, nổi bật là kết quả thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh với số thu trên 12.777 tỷ đồng, đạt trên 300% dự toán được giao. Bên cạnh đó, một số khoản thu, sắc thuế đạt tiến độ khá là: thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương, thu thuế thu nhập cá nhân, thu tiền thuê mặt đất, mặt nước…

Ông Nguyễn Đức Sơn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hưng Yên cho biết, đối với công tác thu ngân sách nội địa, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quyết liệt việc nuôi dưỡng và khai thác nguồn thu, chống thất thu, phấn đấu thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống phần mềm quản lý thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế kê khai, nộp thuế kịp thời theo quy định. Toàn ngành tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm giờ khai, nộp thuế; công tác rà soát và quản lý đối tượng nộp thuế được thực hiện kịp thời; quy trình quản lý thuế thực hiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin theo quy định của Tổng cục Thuế…

Bên cạnh các khoản thu đạt kết quả khả quan, một số khoản thu đạt tiến độ thấp như thu tiền sử dụng đất mới đạt 40,74%, thu thuế bảo vệ môi trường đạt 30% dự toán. Số thu tiền sử dụng đất đạt thấp là do thị trường bất động sản “hạ nhiệt”, việc đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở gặp khó khăn. Số thu thuế bảo vệ môi trường thấp do thực hiện theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

 Để bảo đảm hoàn thành toàn diện dự toán số thu ngân sách nhà nước cả năm, trên cơ sở dự báo những thách thức và thuận lợi, các cơ quan thu chủ động xây dựng và thực hiện phương án thu ngân sách cụ thể trong các tình huống, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, quan tâm nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế cũng như kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ thuế; đổi mới tuyên truyền chính sách thuế, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các luật, chính sách thuế hiện hành, các chính sách thuế mới được sửa đổi, bổ sung.

Cùng đó, Ban Chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp ngân sách nhà nước các cấp chỉ đạo khai thác nguồn thu còn nhiều tiềm năng tại các khu vực kinh tế; tăng cường các biện pháp quản lý thu nợ, thực hiện nghiêm quy trình quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế, triển khai có hiệu quả việc khoanh nợ, xóa nợ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hoá, các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng nhằm chống thất thu ngân sách.

Đỗ Mai (TTXVN)
Quảng Ninh: Thu ngân sách nhà nước không dùng tiền mặt đạt 99,2%
Quảng Ninh: Thu ngân sách nhà nước không dùng tiền mặt đạt 99,2%

Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh hướng tới mục tiêu đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quan tự nhiên trong đời sống kinh tế, xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN