Trong đó, ngành Thông tin và Truyền thông, đặc biệt các cơ quan báo chí đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng, góp phần đấu tranh phòng, chống tiêu cực, chống diễn biến hòa bình và các luận điệu xuyên tạc, phản động.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương tổ chức, các số liệu cho thấy đến nay 100% sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Hải Dương đã xây dựng mạng nội bộ; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp như hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến được sử dụng thống nhất trên toàn tỉnh. Hàng năm, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 1.930 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4, đã được kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tích hợp các dịch vụ công theo lộ trình của Văn phòng Chính phủ.
Từ tháng 12/2018, tỉnh Hải Dương đã triển khai hệ thống phòng, chống mã độc quản lý tập trung, giúp bảo vệ an toàn cho các máy tính cũng như toàn hệ thống mạng trước nguy cơ về virus, trojan, rootkit, spyware, adware...; tích hợp chức năng giám sát về an ninh mạng.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực thông tin báo chí xuất bản, lĩnh vực bưu chính viễn thông cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2017 đến 2020 đã tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên 600.000 bộ hồ sơ. Hải Dương có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định trên địa bàn, 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động với công nghệ 3G, 4G với trên 3.000 trạm thu phát sóng di động (BTS), hơn 300 đại lý internet công cộng. Chất lượng dịch vụ viễn thông phát triển mạnh, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác giảm đáng kể. Hải Dương trở thành một trong 7 tỉnh trên cả nước, thuộc nhóm II hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất, triển khai các chương trình VTCI, đầu thu, hỗ trợ truyền hình chuyển đổi số…
Tuy nhiên, hiện nay, lĩnh vực công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông ở Hải Dương còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa chú trọng vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; cơ sở hạ tầng của Trung tâm tích hợp dữ liệu chưa có nhiều kỹ năng ứng phó, xử lý tình huống đột xuất, mất an toàn, an ninh thông tin, gây nguy cơ và rủi ro cao đối với sự an toàn của hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu dùng chung. Các doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, hạn chế về vốn và quy mô mạng lưới; năng lực cạnh tranh và tiềm lực công nghệ thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao...
Đánh giá cao kết quả ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được trong những năm qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu nhấn mạnh, việc phát triển công nghệ thông tin gắn liền với nâng cao chất lượng hoạt động của nhiều ngành, lĩnh vực; do đó, năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Sở Thông tin và Truyền thông cần tích cực đẩy mạnh phát triển hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thông tin; các trung tâm giám sát an toàn thông tin; phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điền kiện cho tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động thông tin và truyền thông; sản xuất, kinh doanh dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet, tần số vô tuyến điện và phát hành, xuất bản, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, tổ chức, đơn vị sử dụng dịch vụ.
Tại Hội nghị, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương phát động Giải báo chí tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, với chủ đề năm 2021 "Hải Dương vượt khó - tăng tốc"...