Giữ rừng dịp Tết Nguyên đán

Dịp Tết Nguyên đán hằng năm là thời gian các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tăng cường hoạt động và cũng là dịp cao điểm phòng cháy chữa cháy rừng. Do vậy, đây cũng là thời điểm các địa phương, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng tại Lào Cai phải căng mình tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng.

Thường trực nguy cơ cháy rừng, phá rừng

Chú thích ảnh
Lực lượng kiểm lâm triển khai kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng ở huyện Bắc Hà. Ảnh (tư liệu): Vũ Sinh/TTXVN

Theo nhận định của ngành chức năng, vào thời điểm nông nhàn, cận Tết Nguyên đán và giữa mùa khô như hiện nay có nguy cơ cao xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng tự nhiên trái pháp luật. Dịp này, việc khai thác, vận chuyển gỗ quý, hiếm, động vật hoang dã trái phép tại các khu rừng đặc dụng thường diễn biến phức tạp. 

Nguy cơ phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật luôn thường trực mà trọng điểm là các khu rừng đặc dụng như Vườn Quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, khu vực rừng gỗ nghiến, gỗ trai Bắc Hà… Đặc thù của các khu rừng trên là rừng tự nhiên, đặc dụng, diện tích rộng, địa hình hiểm trở, hệ sinh thái phong phú với nhiều loại thực vật, động vật quý, hiếm như nghiến, đinh, pơ mu, bách tán Đài Loan, vân sam, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, nhím đuôi ngắn...

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát được giao quản lý, bảo vệ hơn 18.000 ha rừng đặc dụng, phòng hộ, nằm trên địa giới hành chính 5 xã: Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và Nậm Pung. Đây là điểm đầu dãy Hoàng Liên Sơn, với các đỉnh núi cao xuất phát từ xã Y Tý kéo dài đến đỉnh Fansipan. Sự đa dạng về địa hình và độ cao hình thành nên tính đa dạng sinh học cho khu vực này. 

Những năm qua, tập quán sinh hoạt của dân cư sống trong và ven khu bảo tồn vẫn phụ thuộc ít nhiều vào tài nguyên rừng. Một số người dân vẫn tìm cách vào rừng với mục đích khai thác gỗ và các loài lâm sản ngoài gỗ như tam thất hoang, các loài sâm, ba kích, thông đất, lan kim tuyến, rêu... và săn, bắn, bẫy, bắt động vật. Bên cạnh đó, sau Tết cũng là thời gian người dân đốt dọn nương, đồng ruộng chuẩn bị vụ Xuân, đốt đồi cỏ để chăn thả gia súc, dẫn đến nguy cơ cháy lan vào rừng rất cao.

Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Đơn vị đã xác định và xây dựng bản đồ vùng trọng điểm cháy, thành lập 2 chốt bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cố định và 3 chốt tạm thời tại các khu vực trọng điểm để kiểm soát người ra, vào rừng. Đặc biệt, vào những ngày cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V, duy trì mỗi chốt từ 10 - 15 người (thành phần gồm có: kiểm lâm địa bàn, cán bộ ban quản lý khu bảo tồn và thành viên tổ nhận khoán bảo vệ rừng), sẵn sàng huy động khi có cháy rừng xảy ra...

Huyện Bắc Hà có hơn 17.000 ha rừng tự nhiên; trong đó có khu vực rừng gỗ nghiến, gỗ trai nằm trên địa bàn xã Cốc Ly rộng hàng trăm ha với hơn 800 cây nghiến cổ thụ có đường kính từ 40 cm trở lên. Diện tích khoán bảo vệ rừng gỗ nghiến, gỗ trai là gần 260 ha, không tập trung mà rải rác tại 6 thôn; trong đó có 3 thôn giáp ranh với thôn của thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng). Đây là khu vực có nhiều đường mòn, lối mở, đường dân sinh giữa các thôn giáp với rừng gỗ nghiến, gỗ trai, do đó, việc quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Để quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, không chỉ có mùa khô, dịp Tết Nguyên đán mà hầu hết thời gian trong năm, lực lượng kiểm lâm luôn phải chủ động, tập trung. Ông Trần Quốc Hoàn, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà cho biết, hạt duy trì chế độ trực 24/24 giờ tại các trạm kiểm lâm địa bàn; tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vào rừng có ý định khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tổ kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý các điểm, tụ điểm vận chuyển, mua bán lâm sản trên địa bàn…

Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết, càng những dịp lễ, tết, lực lượng chức năng càng không thể lơ là vì đây là thời điểm các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng trái pháp luật luôn tìm mọi cơ hội để thực hiện hành vi vi phạm. Hơn nữa, đây cũng là cao điểm mùa khô hanh 2023 - 2024 nên nguy cơ cháy rừng rất cao.

Để quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại gốc, tích cực đấu tranh, ngăn chặn hành vi săn bắt, mua bán động vật hoang dã.

Tăng cường truy quét các “đầu nậu”

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả và ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, hủy hoại rừng, khai thác rừng trái pháp luật, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động thực vật rừng, đặc biệt là các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm, các loại lâm sản trái pháp luật.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp của người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan; làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật; quản lý chặt chẽ, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, nhất là cơ sở sử dụng gỗ rừng tự nhiên; xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các hành vi lấn chiếm, phát, phá rừng, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản, động thực vật rừng trái pháp luật.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra các khu vực trọng điểm cháy rừng, rà soát bổ sung phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, chủ rừng theo quy định của pháp luật; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần; tổ chức lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động, phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; chỉ đạo các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cùng phối hợp tham gia các hoạt động tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân, cộng đồng, tổ chức và nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Lào Cai chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh bố trí lực lượng thường trực trong suốt mùa hanh khô tại các trụ sở, trạm, chốt bảo vệ rừng, đặc biệt là trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị, dụng cụ ứng phó khi xảy ra cháy rừng; tích cực phối hợp với các lực lượng công an, quân sự, đơn vị quân đội đóng trên địa bàn và các đơn vị chủ rừng trong việc thực hiện các quy chế phối hợp, phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai lưu ý, cơ quan chức năng hướng dẫn, nhắc nhở nhân dân sử dụng lửa an toàn trong các dịp lễ hội, phong tục đốt dọn thực bì trên nương cầu may dịp đầu năm; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh để chủ động phòng ngừa, ứng phó nguy cơ cháy rừng.

Hương Thu - Kim Thoa (TTXVN)
Đắk Nông yêu cầu trực quản lý, bảo vệ rừng 24/24 trong dịp Tết
Đắk Nông yêu cầu trực quản lý, bảo vệ rừng 24/24 trong dịp Tết

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, các đơn vị chức năng, đơn vị chủ rừng đề nghị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN