ĐBSCL đổi mới từ sức mạnh đoàn kết - Bài 3: Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa

Xác định văn hóa đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự phát triển toàn diện, cùng với hoàn thiện hạ tầng, phát triển kinh tế, các địa phương quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của từng làng quê.

Qua đó, xây dựng nông thôn mới trở thành những miền quê phát triển hài hòa, bền vững. Từ hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa góp phần củng cố, thắt chặt hơn khối đại đoàn kết trong đồng bào các dân tộc ở địa phương.

Xây dựng đời sống văn hóa

Chú thích ảnh
Giải đua ghe Ngo tỉnh Trà Vinh mở rộng mừng Lễ hội Ok Om Bok năm 2023 của đồng bào Khmer được tổ chức tại sông Long Bình, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại các địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc xác định mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Cùng với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập người dân, nhiều địa phương chú trọng nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, tăng thêm tình đoàn kết, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khỏe cho người dân, xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Ngô Phương Vũ, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, riêng năm 2023, có 950 khu dân cư trong tỉnh, trong đó nhiều khu dân cư địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, thắt chặt tình đoàn kết, chung tay xây dựng khu dân cư, xóm ấp văn minh.   

Bí thư Huyện ủy Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) Trần Thanh Việt khẳng định, là huyện vùng sâu của tỉnh, địa phương luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo sự phát triển toàn diện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” luôn được triển khai đồng bộ, tạo sự lan tỏa, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.

Huyện có đặc thù khoảng 34% dân số là người Khmer. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, trong đó, có đồng bào Khmer luôn được gìn giữ, phát huy. Năm 2023, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer toàn tỉnh Kiên Giang được tổ chức ngay tại bờ sông Cái Lớn, huyện Gò Quao với nhiều hoạt động phong phú, tạo thêm điểm nhấn, góp phần bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Kim (ngụ ấp Hòa Xuân, xã Định Hòa, huyện Gò Quao) chia sẻ, xây dựng nông thôn mới, đường sá đi lại thuận tiện, trường học, trạm y tế khang trang hơn. Đời sống người dân ngày càng nâng lên. Gia đình ông có cơ sở sản xuất đặc sản mang tên “Rượu Đường Xuồng Năm Kim” - sản phẩm được gắn sao OCOP, đời sống vật chất ngày càng sung túc.

Các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ diễn ra thường xuyên. Cuối tháng 11/2023, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang được tổ chức vào đúng dịp Lễ hội Ok-Om-Bok trở thành Ngày hội văn hóa có sức thu hút lớn. Trong ấp, bà con phấn khởi, đoàn kết, rủ nhau đến tham dự Ngày hội, cổ vũ các đội đua ghe ngo rất vui, ông Kim chia sẻ. 

Gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế

Chú thích ảnh
Biểu diễn văn nghệ truyền thống trong ngày lễ Kathian (còn gọi là Lễ dâng bông, dâng y ca-sa). Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Tại nhiều xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Đồng bằng sông Cửu Long, điểm nổi bật là các địa phương xuất phát từ chính thế mạnh bản sắc văn hóa, vừa bảo tồn, vừa tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) Lâm Thị Thanh Trúc cho biết, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã chọn lĩnh vực kiểu mẫu là văn hóa - du lịch để thực hiện, tạo đột phá phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Với sản phẩm du lịch đặc trưng là ngôi chùa Chén Kiểu - ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo, được gắn những mảnh chén, đĩa hết sức công phu, mỗi năm, có trên 200.000 lượt khách trong và ngoài nước đến Đại Tâm tham quan, chiêm bái ngôi chùa nổi tiếng, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống đồng bào Khmer.

Trên địa bàn xã Đại Tâm hiện nay có đồng bào ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa sinh sống đoàn kết, có sự giao thoa của nhiều nét văn hóa, tạo sự đa dạng, phong phú trong bản sắc văn hóa ở địa phương. Nổi bật là các lễ hội của người Khmer như Tết cổ truyền Chol-Chnam-Thmay, các lễ Sen Dolta, Ok-Om-Bok... luôn được tổ chức thật ý nghĩa, tập hợp sự tham gia của người dân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đại Tâm thông tin thêm.   

Đầu năm mới 2024, người dân Đại Tâm rất phấn khởi khi xã đã được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tại các ấp, bà con chung tay chuẩn bị cho lễ đón nhận thật trang trọng, kết hợp giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của xã nông thôn mới kiểu mẫu Đại Tâm tới đại biểu, du khách.

Ông Phòng Phú Thịnh, Trưởng ban nhân dân ấp Đại Ân, xã Đại Tâm chia sẻ, toàn ấp có 2.570 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào Khmer. Người dân luôn tự hào gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình. Câu lạc bộ nhạc ngũ âm, Câu lạc bộ múa truyền thống dân tộc Khmer luyện tập, biểu diễn thường xuyên. Người dân trong ấp mang nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản đến khu vực quanh chùa Chén Kiểu giới thiệu, bán cho du khách, tăng thêm thu nhập. Tạo điều kiện để người dân vừa phát triển kinh tế vừa là “đại sứ” du lịch, các cấp chính quyền tập huấn, hướng dẫn bà con cách thức giới thiệu với du khách về lịch sử di tích, giá trị mặt hàng nông sản, ý nghĩa đặc sản ẩm thực của đồng bào Khmer như bánh cống, cốm dẹp. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân Đại Tâm, trong đó có ấp Đại Ân dần được nâng lên, hiện đạt gần 76,2 triệu đồng/người/ năm.

Cùng ở tỉnh Sóc Trăng, Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia - nghề làm bánh pía truyền thống ở các xã Phú Tâm, Thuận Hòa, An Hiệp (huyện Châu Thành) là một trong những nét văn hóa đặc sắc, đang phát huy giá trị gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Châu Thành Bùi Mỹ Thuận thông tin, vùng đất Châu Thành có nhiều thành phần dân tộc khác nhau cùng sinh sống, tạo nên nét đặc sắc văn hóa cho khối đại đoàn kết các dân tộc của huyện. Trong xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, UBND huyện, tổ chức đoàn thể luôn quan tâm bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc ở địa phương, trong đó, có nghề làm bánh pía truyền thống của người Hoa.

Năm 2020, nghề làm bánh pía truyền thống ở ba xã Phú Tâm, Thuận Hòa, An Hiệp thuộc huyện Châu Thành được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo thuận lợi để các địa phương có di sản phát huy giá trị, xem đây là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế. Cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. UBND tỉnh Sóc Trăng triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống nghề làm bánh pía xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp huyện Châu Thành giai đoạn 2022-2025.

Hiện nay, các cơ sở làm bánh pía ở Châu Thành tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.400 lao động, tăng thu nhập cho người dân, thiết thực phát huy giá trị văn hóa, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện.

Bài cuối: Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết 

Trà Hải Hiếu - Hưng Phi (TTXVN)
ĐBSCL đổi mới từ sức mạnh đoàn kết - Bài cuối: Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết
ĐBSCL đổi mới từ sức mạnh đoàn kết - Bài cuối: Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết

Một trong những quan điểm nhất quán trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với xây dựng và phát triển đất nước nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng chính là phát huy hiệu quả khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN