An Giang công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên

Sáng 9/5, UBND huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang công nhận xã Vĩnh Trạch đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu” về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đây là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên tại An Giang được công nhận.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh An Giang trao Quyết định công nhận xã Vĩnh Trạch đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục và đào tạo" năm 2023. 

Huyện Thoại Sơn được xem là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh An Giang khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới” vào năm 2018. Đây là một trong những huyện đầu tiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn “Huyện nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt Thoại Sơn cũng là huyện đầu tiên trong cả nước đạt 3 danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” và “Huyện nông thôn mới”

Ông Dương Ngọc Lắm, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết. đến nay, Thoại Sơn đã có 100% xã nông thôn mới, 100% xã nông thôn mới nâng cao và xã Vĩnh Trạch được công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu” về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thời gian tới, huyện sẽ được UBND tỉnh công nhận thêm xã Định Thành đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu” về lĩnh vực tổ chức sản xuất. Huyện Thoại Sơn cũng đã hoàn thành hồ sơ “Huyện nông thôn mới nâng cao” và đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét theo quy định.

Theo ông Lắm, thời gian qua xã Vĩnh Trạch giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới, hoàn thành nông thôn mới nâng cao và là xã đầu tiên được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn “Nông thôn mới kiểu mẫu” năm 2023. Hiện kinh tế - xã hội xã Vĩnh Trạch phát triển ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh, có sự đột phá bằng các mô hình sản xuất...

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Vĩnh Trạch đạt hơn 75,1 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,48%; tổng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới gần 20 tỷ đồng, trong đó vốn từ cộng đồng chiếm hơn 20%. Hiện Vĩnh Trạch có hơn 15 mô hình hiệu quả, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới được nhân rộng ở nhiều lĩnh vực như: phát triển sản xuất nông nghiệp, môi trường, an sinh xã hội, an ninh trật tự và xây dựng mô hình ấp chuyển đổi số. 

Trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã đạt 5/5 chỉ tiêu; trong đó, xã có 5/5 trường mẫu giáo, tiểu học, Trung học cơ sở và trường Trung học Phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trẻ ra lớp đạt tỷ lệ 90,66%, trong đó, trẻ 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 100%, trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày theo quy định đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào học lớp 1 của xã đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học (các trẻ em 11 tuổi còn lại đều đang học các lớp tiểu học) đạt tỷ lệ 97,03% và tỷ lệ người từ 15 - 18 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp, đạt tỷ lệ 96%....

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đề nghị huyện Thoại Sơn và xã Vĩnh Trạch tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những những hạn chế, khó khăn để xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn. Trong đó địa phương cần xác định phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, theo phương châm “Xây dựng nông thôn có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”; phải có kế hoạch cụ thể, hành động thực tế.

Ông Lâm đề nghị huyện Thoại Sơn tiếp tục triển khai kế hoạch, giải pháp xây dựng nông thôn mới; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững, thông minh. Song song đó, huyện tập trung rà soát 12 xã nông thôn mới nâng cao để có những định hướng đưa các xã tiếp tục xây dựng và phấn đấu đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu” theo thế mạnh, lĩnh vực nổi trội của các địa phương.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại An Giang đạt được nhiều kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn An Giang trở nên khang trang, hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, sản xuất nông nghiệp phát triển; số hộ nghèo giảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Đến nay, An Giang đã có 3 đơn vị cấp huyện là Châu Đốc, Long Xuyên và Thoại Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 76/110 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tại An Giang đều đạt ở mức khá tốt so với trung bình cả nước.

Bài, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
Xã nông thôn mới kiểu mẫu mạnh về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế vườn
Xã nông thôn mới kiểu mẫu mạnh về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế vườn

Đến thời điểm này, Cần Thơ đã có 7 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ là địa phương nỗi bật về thế mạnh phát triển kinh tế tập thể, kinh tế vườn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN