65 năm Bác Hồ thăm Lào Cai: Luôn khắc ghi lời Người

Năm 2023, kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023), đánh dấu chặng đường 32 năm tái lập, đổi mới và phát triển (1/10/1991 - 1/10/2023), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lào Cai luôn khắc ghi lời dạy của Người tại buổi nói chuyện với cán bộ, đại biểu nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngày 24/9/1958.

Chú thích ảnh
Chỉnh trang, tu sửa công viên Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 65 năm Bác Hồ lên thăm tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Người đã ân cần căn dặn, chỉ rõ 4 nhiệm vụ: Đoàn kết chặt chẽ; tăng gia sản xuất; bảo đảm trật tự trị an; giữ gìn thuần phong mỹ tục. Những tình cảm và sự chỉ dạy của Người đã trở thành tài sản vô giá, có ý nghĩa to lớn, mãi soi đường cho nhân dân các dân tộc Lào Cai trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Ông Dương Đức Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, năm 2023 là mốc son ghi dấu chặng đường 32 năm tái lập tỉnh, đổi mới và phát triển, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh từng bước hiện thực hóa những chỉ dẫn của Người vào điều kiện thực tiễn của một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc. Những năm đầu tách tỉnh, Lào Cai khó khăn bộn bề, mặt bằng dân trí thấp (60% trẻ trong độ tuổi không được đến trường, có tới 14 xã “trắng” về giáo dục). 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia. 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

150/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm. Gần 55% hộ thuộc diện đói, nghèo. 36 xã chưa có trạm y tế. 30% cán bộ chưa biết chữ; tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp… Lào Cai là một trong sáu tỉnh nghèo nhất của cả nước. Thu ngân sách chỉ đạt 36 tỷ đồng. Các trung tâm thị xã, thị trấn trong tỉnh bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Nhiệm vụ đặt ra là rất to lớn, trách nhiệm rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải đoàn kết, đồng tâm quyết chí một lòng, hướng về mục tiêu chung.

Thực hiện lời Bác dạy, Lào Cai đã chuyển mình mạnh mẽ từ vùng đất nghèo khó, hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Kinh tế bứt tốc mạnh so với ngày đầu tái lập tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 10%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 9,02%, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành trong cả nước, đứng thứ 4/14 các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 10 nghìn tỷ đồng (gấp 288 lần so với năm 1991), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 90 triệu đồng (xếp thứ 2 trong các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và gấp 133 lần so với năm 1991). Tỷ lệ nghèo giảm nhanh, từ 54,8% (năm 1991) xuống còn 5,31% (theo tiêu chí cũ) và 19,37% (theo tiêu chí mới). Khách du lịch đến tỉnh Lào Cai đạt trên 4,6 triệu lượt (năm 2019 đạt 5,1 triệu lượt người).

Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới với 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 48,8% tổng số xã trên địa bàn. 100% xã có đường giao thông kiên cố và điện lưới đến trung tâm xã. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lào Cai luôn đứng ở tốp cao của cả nước (là tỉnh đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện), năm 2022 Lào Cai xếp thứ 11/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 14 bậc so năm 2021 (25/63 tỉnh, thành phố). Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt những kết quả toàn diện.

Với những kết quả vượt bậc, Lào Cai luôn được xem là tỉnh tiên phong trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và không ngừng nâng cao đời sống người dân. Tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng phê duyệt quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với “1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng, 5 nhiệm vụ trọng tâm”. Đây là tiền đề quan trọng để phấn đấu đưa Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giữa ASEAN với Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Mùa vàng trên cánh đồng Mường Khương. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong chia sẻ, trong suốt tiến trình cách mạng, lúc khó khăn cũng như thuận lợi, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn một lòng sắt son theo Đảng, khắc ghi lời Bác dạy, ra sức phấn đấu, vượt qua mọi trở ngại, hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ mà mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Các chương trình, đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn dành 70% nguồn lực đầu tư cho cơ sở; quan tâm xây dựng và chăm lo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; xác định và phát huy thế mạnh của mỗi địa phương để phát triển kinh tế hàng hóa; xây dựng đường biên giới hữu nghị với mô hình “Tuần tra chung”; tạo cơ chế, chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”. Mô hình “Tuyên vận” ở tỉnh Lào Cai đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, nay được nhân ra diện rộng.

Cùng với quan điểm chỉ đạo đúng đắn, nhất quán, phương pháp lãnh đạo khoa học, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng phát triển toàn diện, bền vững, có bước đi thích hợp; xây dựng các chương trình, đề án thiết thực để tập trung chỉ đạo. Mỗi giai đoạn lại có những đột phá khác nhau và dành nguồn lực đầu tư, tạo động lực thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực phát triển. Kết hợp hài hòa giữa khai thác nguồn nội lực với thu hút và sử dụng có hiệu quả ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững. Có được những thành tựu trên, cùng với việc thực hành những chỉ dẫn của Bác Hồ về tinh thần đổi mới sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở có sự đoàn kết, thống nhất cao, năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì tỉnh Lào Cai phát triển nhanh, bền vững.

Với những thành tựu đạt được, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Sao vàng; Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Nhất; nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.

Có được những thành tựu trên, Đảng bộ và nhân dân Lào Cai luôn ghi lòng tạc dạ lời căn dặn của Bác “thi đua làm cho tỉnh nhà ngày một phồn thịnh và sung sướng”, “làm cho đồng bào cơm no, ấm áo hơn nữa”. Các thế hệ cán bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai không thể nào quên những bức thư chan chứa ân tình, sự động viên, khích lệ quý báu cùng những lời dặn dò ân cần, sâu sắc, thiết thực mà Bác Hồ đã dành cho đồng bào, chiến sỹ nơi biên cương của Tổ quốc. Đặc biệt, trong 24 năm giữ cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ đã tặng 87 Huy hiệu của Người; ký lệnh tặng thưởng 346 Huân chương Kháng chiến chống Pháp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Lào Cai, 3 Huân chương Lao động và 7 Bằng khen cho các huyện, xã của tỉnh Lào Cai.

Hồng Ninh (TTXVN)
Tuổi trẻ Yên Bái hướng tới kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Yên Bái
Tuổi trẻ Yên Bái hướng tới kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Yên Bái

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023), ngày 17/9, tại Di tích lịch sử quốc gia Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái, Tỉnh đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức Ngày hội “Bác Hồ trong trái tim Tuổi trẻ Yên Bái”. Trên 5.000 đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Yên Bái tham dự ngày hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN