07:08 22/07/2014

Địa phương phải vào cuộc

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức về công tác bảo đảm an toàn cho các hồ đập trong mùa mưa bão năm nay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức về công tác bảo đảm an toàn cho các hồ đập trong mùa mưa bão năm nay.

 

´Thưa ông, xin ông cho biết công tác tu sửa và bảo dưỡng các hồ đập, nhất là các hồ đập bị hư hỏng nặng để đối phó với mùa bão lũ?


Trước đây, chúng tôi rất lo lắng mỗi khi tới mùa mưa bão, nhưng sau khi có chương trình nâng cấp, tu sửa hồ đập của Chính phủ giờ đây thì chúng tôi đã yên tâm hơn rất nhiều. Hiện Việt Nam có hơn 600 hồ đập lớn, chiếm 10% tổng số hồ đập. Trong đó, nhiều hồ đập đã được nâng lên mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

 


Tuy nhiên, trong 6.800 hồ đập trong cả nước, có nhiều hồ cỡ nhỏ được xây dựng trong thời kỳ trước, chủ yếu do các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng (khoảng hơn 4.000 hồ), quy mô nhỏ, phần lớn từ 0,2 - 1 triệu m3. Trước đây, trong điều kiện khó khăn về kinh tế, kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, công nghệ thi công chưa có, chủ yếu là đào đắp thủ công. Do vậy, nhiều hồ đập chưa bảo đảm kỹ thuật. Đây là những hồ gây cho chúng ta nhiều lo ngại nhất.
Hơn nữa, trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, các hồ này đã xuống cấp sau nhiều trận mưa lớn. Bên cạnh đó, chất lượng cản nước của rừng đầu nguồn cũng kém đi. Mặc dù, tỷ lệ che phủ của rừng có tăng nhưng chất lượng cản nước của rừng lại kém đi, nên mưa lũ xuất hiện nhanh hơn, sức tàn phá lớn hơn. Do đó, những hồ chứa chất lượng thấp, trung bình có nguy cơ mất an toàn cao. Vì vậy, công tác an toàn đập sẽ được chúng tôi quan tâm đầu tư hơn nữa.

 

´Vậy, Bộ NN&PTNT có những giải pháp gì để khắc phục sự mất an toàn của các hồ đập nhỏ này, thưa ông?


Ngay từ đầu năm, Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều cuộc họp với tất cả các tỉnh, thành phố, kiểm tra, rà soát lại hệ thống văn bản, pháp luật tiêu chuẩn quy chuẩn về hồ đập. Tôi cho rằng, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các địa phương và các chủ quản lý hồ đập.


Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo cuộc họp về an toàn đập. Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát ngay danh mục các công trình cần sửa chữa cấp bách. Chúng tôi cũng rà soát và thống kê được hơn 300 công trình cấp bách và 169 công trình rất cấp bách để trình Thủ tướng và kiến nghị các biện pháp khắc phục.


Thủ tướng yêu cầu thiết kế ngay một bản chương trình, rà soát lại văn bản quy chuẩn đầu tư, thiết kế hồ đập; yêu cầu các địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc quản lý hồ chứa. Lý do là vì số lượng hồ chứa lên tới hàng nghìn thì Trung ương không thể quản lý hết được.


Các tổ chức quốc tế rất quan tâm, ủng hộ Việt Nam trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là bảo đảm an toàn hồ đập. Ngân hàng Thế giới đã thông qua nhiều dự án như: WB4, WB5... hỗ trợ, nâng cao năng lực thể chế và nâng cao an toàn trực tiếp cho các hồ đập. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng có nhiều dự án giúp Việt Nam nâng cấp nhiều hồ lớn như: Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), thủy điện Phú Ninh (Quảng Nam), hồ thủy lợi Hồ Tiến (Tây Ninh)... JICA Nhật Bản cũng hỗ trợ rất nhiều cho các cơ quan nghiên cứu trong lĩnh vực này.


Mọi thứ không thể chuyển biến ngay trong mùa mưa bão năm nay, nhưng công tác quản lý vận hành phải được chấn chỉnh ngay. Năm ngoái, các bộ ngành địa phương đề nghị Chính phủ hỗ trợ để sửa chữa khẩn cấp 93 hồ với tổng kinh phí 525 tỷ đồng, nhưng hiện vẫn còn thiếu hơn 400 tỷ đồng để hoàn thành. Vì kinh phí quá lớn nên chúng tôi yêu cầu các địa phương chỉ đưa các hạng mục liên quan tới an toàn vào văn bản đề nghị cấp kinh phí tu sửa.


Kinh phí có thể chưa được cấp ngay, nhưng việc quản lý vận hành các hồ đập phải được tổ chức tốt, để kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh. Thực tế cho thấy, có nơi, hồ đập không có ai quản lý, có hồ có tới 2 tháng ngập nước mà không ai cảnh báo. Do vậy, Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện Nghị định 72 về làm rõ trách nhiệm của các cấp trong việc quản lý vận hành hồ đập.


Hữu Vinh (thực hiện)