09:16 10/09/2014

Địa phương mong cơ chế thoáng khai thác khoáng sản nhỏ lẻ

Ngày 10/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo trực tuyến Góp ý dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Nhiều vấn đề trong thực hiện khai thác khoáng sản đã được các địa phương bàn thảo trong hội thảo trực tuyến Góp ý dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản do Bộ tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 10/9, tại Hà Nội.


Theo đánh giá chung của các địa phương, cần có cơ chế khai thác dành cho các loại khoáng sản như vật liệu xây dựng, cát sỏi lòng sông, khe suối nhỏ và phân tán tại các địa phương, nhất là những vùng sâu, miền núi.


Ông Nguyễn Đình Xuân, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay, theo quy định, tất cả các loại khoáng sản đều phải thực hiện đánh giá trữ lượng, cấp phép khai thác với nhiều khâu và cần nhiều thời gian, điều đó là cần thiết đối với những dự án khai thác khoáng sản có giá trị và trữ lượng lớn, nhưng đối với những dự án nhỏ lẻ, khai thác các loại khoáng sản khai thác với trữ lượng nhỏ và phân tán thì cần có cơ chế phù hợp. Bởi những dự án này, nếu thực hiện đánh giá theo quy định sẽ mất nhiều thời gian và chi phí lớn, chưa phù hợp với trữ lượng và giá trị khoáng sản khai thác. “Theo tôi thì cần có sự phân loại khoáng sản trong khai thác”, ông Xuân nhấn mạnh.


Còn ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Kạn nhấn mạnh, với địa thế là tỉnh miền núi, việc khai thác cát sỏi tại các khe suối, lòng sông phục vụ việc xây dựng nông thôn mới là cần thiết. Hầu hết các mỏ đều trữ lượng nhỏ và phân tán. “Bộ nên có những hướng dẫn để những dự án khai thác khoáng sản phục vụ công trình dân sinh thì không cần cấp phép khai thác, điều tra trữ lượng mà chỉ nên có giấy cho phép khai thác và thu tiền theo quy định, bởi nếu thực hiện theo đúng quy trình như các loại khoáng sản khác thì sẽ rất lâu và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình”, ông Nguyên cho biết.


Là địa phương có đặc thù về khai thác khoáng sản than, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay chi phí bù đắp cho hệ thống hạ tầng địa phương trong khai thác khoáng sản; đề nghị giao Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế rà soát tính toán lại phí môi trường và phí tài nguyên theo nguyên tắc bù chi phí bảo vệ môi trường, bù đắp tái tạo sau khai thác tài nguyên. Đối với khai thác than, cần quy hoạch lại địa bàn khai thác; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản và phải di chuyển ra ngoài khu cách ly, chuyển đổi ngành nghề. Cùng với đó, cần có các giải pháp khoa học công nghệ trong đó đánh giá hiệu quả khai thác khoáng sản, có cơ chế tái chế tài nguyên khoáng sản; các giải pháp phục hồi bãi thải; triển khai đánh giá đối với tài nguyên nước khoáng đặc biệt đối với vùng phun trào axit. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa công tác điều tra, thăm dò khai thác khoáng sản, cơ chế trong chế biến sâu khoáng sản…


Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, cho biết, trong bối cảnh hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại như hoạt động quản lý khai thác khoáng sản chưa chặt chẽ, chưa phân rõ trách nhiệm cụ thể của các cấp, ngành, địa phương… Để khắc phục những tồn tại đó, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT chủ trì xây dựng dự thảo chỉ thị mới điều chỉnh, bổ sung chỉ thị cũ về khai thác khoáng sản, bổ sung những điểm yếu, đề xuất giải pháp khả thi, phù hợp với tình hình thực tế. Các ý kiến đóng góp của các địa phương sẽ được Bộ TN&MT tiếp thu, tổng hợp, hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ.


Thu Trang