01:11 04/01/2011

Đi xe lăn, bán vé số làm từ thiện

Từ một thanh niên khỏe mạnh, phải đi bằng đôi bàn tay, một người đàn ông khuyết tật đã giúp đỡ nhiều số phận khó khăn, viết nên những câu chuyện cổ tích thời hiện đại trên chiếc xe lăn.

Từ một thanh niên khỏe mạnh, phải đi bằng đôi bàn tay, một người đàn ông khuyết tật đã giúp đỡ nhiều số phận khó khăn, viết nên những câu chuyện cổ tích thời hiện đại trên chiếc xe lăn.


Bằng ý chí và nghị lực phi thường vượt lên số phận của riêng mình, anh đã trở thành tấm gương sáng của những người đồng cảnh ngộ, “tàn mà không phế”. Đó là anh Trần Văn Thu (số nhà 5D, đường Hoàng Văn Thám, thành phố Đà Lạt).

Sinh năm 1950, tại vùng quê nghèo tỉnh Bắc Giang, sau khi hết nghĩa vụ quân sự, chàng trai trẻ Trần Văn Thu lập gia đình. Cuộc sống lúc bấy giờ còn khó khăn, anh đã quyết định cùng vợ và hai con nhỏ vào Lâm Đồng lập nghiệp bằng nghề nấu rượu, chăn nuôi lợn.


Bất hạnh ập đến khi anh bất ngờ bị tai nạn ở tuổi 35. Vụ tai nạn khiến anh mất sức lao động 86%, bị gãy cột sống, liệt và mất cảm giác nửa người phần dưới, đôi chân không thể đi lại.

Anh Trần Văn Thu với công việc hàng ngày giúp vợ chăn nuôi.


Sau khi bị tai nạn, năm 2004 anh Thu tham gia vào câu lạc bộ Người khuyết tật TP Đà Lạt. Tuy ngồi trên chiếc xe lăn, nhưng anh vẫn lao động bằng việc đi bán vé số và phụ giúp vợ trong chăn nuôi.


Anh Thu cho biết: Một năm có 360 ngày thì 300 ngày anh cùng với chiếc xe lăn đi bán vé số trên những con đường đồi dốc của Đà Lạt. Những lúc rảnh, anh thăm hỏi người đồng cảnh ngộ, vận động những nhà hảo tâm hỗ trợ tiền cho những người nghèo gặp khó khăn.


Những đồng tiền quý báu anh dành dụm từ bán vé số, ngoài việc góp phần giúp cho gia đình, phần còn lại anh mua bảo hiểm y tế tự nguyện, mua máy đan len, hỗ trợ tiền viện phí, tiền thuốc... cho người nghèo bị khuyết tật. Tính đến nay anh đã giúp hơn 40 người khuyết tật nghèo khó cùng cảnh ngộ như mình với số tiền hơn 20 triệu đồng bằng tiền bán vé số.

“Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng” - anh Thu nói về việc làm của mình - tôi may hơn rất nhiều người vì tôi có gia đình, vợ con, có chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần. Giúp được ai cái gì thì mình cứ nhiệt tình, đó là niềm an ủi động viên họ vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng".

Đặng Tuấn