01:00 06/01/2012

“Đi tắt đón đầu” chống biến đổi khí hậu-Bài 1: Câu chuyện của Giáo sư Nobu Kobayashi

Trung tuần tháng 11/2011, tại Trung tâm hội nghị Cap Science, thành phố Bordeaux, CH Pháp, sau bản báo cáo của nhóm công tác do GS Inigo J.Losada (ĐH Cantabria, Tây Ban Nha) đứng đầu trong dự án chống biến đổi khí hậu có quy mô lớn nhất châu Âu hiện nay.

Trung tuần tháng 11/2011, tại Trung tâm hội nghị Cap Science, thành phố Bordeaux, CH Pháp, sau bản báo cáo của nhóm công tác do GS Inigo J.Losada (ĐH Cantabria, Tây Ban Nha) đứng đầu trong dự án chống biến đổi khí hậu có quy mô lớn nhất châu Âu hiện nay - THESEUS (Innovative Technologies for Safer European Coasts in a Changing Climate), đã nhận được những tràng pháo tay chúc mừng của các nhà khoa học đến từ các đoàn bạn. Không vui sao được, khi trong tương lai rất gần, thế giới sẽ có lời giải cho ba vấn đề cần giải quyết trong nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Mục tiêu mang những thành quả của công tác nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho những chính sách về chống BĐKH tại mỗi quốc gia (ở đây là ủy ban châu Âu) đã sắp thành hiện thực. Trong niềm tin ấy, chúng ta hãy nhìn lại những nét chính trong nỗ lực chống BĐKH trong những năm qua ở nước ta để tổng kết những gì chúng ta đã làm được, còn thiếu những gì và hướng đi trong tương lai ra sao qua hai câu chuyện dưới đây.

Bài 1: Câu chuyện của Giáo sư Nobu Kobayashi

Trong buổi ăn tối thân mật sau ngày họp thứ hai của hội nghị, tôi có dịp tiếp chuyện với Giáo sư người Mỹ gốc Nhật Nobu Kobayashi - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công trình biển, Đại học Delaware, Hoa Kỳ - để nghe ý kiến đánh giá của ông về những thành tựu vừa qua của châu Âu trong lĩnh vực BĐKH.

Giáo sư Inigo Losada, đại học Cantabria, Tây Ban Nha giới thiệu về "hệ thống hỗ trợ" ra quyết định trong dự án Theseus.


Ông cho biết: “Hiện tại, ở nước tôi (Hoa Kỳ) vấn đề BĐKH xảy ra nghiêm trọng không kém ở châu Âu, tuy nhiên chính phủ gần như ít có những động thái, đặc biệt trong công tác bảo vệ bờ biển, mặc dù Hoa Kỳ có hơn 10.000 km bờ biển cần bảo vệ trước hiện tượng thời tiết này”.

“Thế còn nước Nhật, quê hương của ông thì sao?”, tôi hỏi.

- Nhật Bản có hơn 50 năm nghiên cứu về công trình biển, nhưng hiện nay, mặc dù chính phủ có quan tâm hơn so với ở Hoa Kỳ nhưng vấn đề có một mô hình kết nối khoa học như ở châu Âu, nước Nhật hiện đang còn gặp khó khăn. Ông kết luận: “Hiện nay, Liên minh châu Âu là tổ chức tiên phong trên thế giới đầu tư rất lớn vào lĩnh vực khó và rất mới này của khoa học là nghiên cứu BĐKH và tích cực tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Thành công vừa qua của nhóm GS Inigo J.Losada đã đặt ra những chuẩn mực cao hơn trong yêu cầu về chống BĐKH của mỗi nước. Những gì làm được trong suốt hai năm qua đã chứng tỏ sự tin tưởng của Ủy ban châu Âu cho DSS (Decision Support System-hệ thống hỗ trợ ra quyết định) trong chống BĐKH của nhóm là hoàn toàn xác đáng. Anh ta (GS Inigo J. Losada) đã khẳng định được vị trí vơđét của mình trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngoài châu Âu ra thì các nước còn lại đang phản ứng rất chậm mà hiện tượng BĐKH lại tác động mạnh đến các nước nghèo. Làm sao mang những thành quả khoa học đạt được ngày hôm nay, nhân rộng mô hình cho các vùng đang chịu tác động nặng nề hơn là một nhiệm vụ không dễ gì đạt được”.

Thực tế, qua ba ngày Hội nghị của tháng 11/2011 ấy, các thành viên trong dự án lần đầu tiên, bên cạnh việc đưa ra bản đồ phân tích các kịch bản ngập lụt trong hiện tượng BĐKH, đã giới thiệu hoàn chỉnh bản đồ kịch bản tác động đến môi trường và kinh tế, xã hội tại 10 khu vực của châu Âu. Một việc mà theo các chuyên gia đánh giá là rất khó thực hiện, nhất là hai yếu tố môi trường và kinh tế- xã hội. Lần đầu tiên, kịch bản BĐKH được phân tích, tính toán đầy đủ trên cả ba tác động của nó gồm: 1. Công trình và địa hình, 2. Môi trường, 3. Kinh tế và xã hội. Đây chính là điểm đột phá của dự án này, nó sẽ đặt ra những tiêu chuẩn tính toán mới cho thế giới trong những năm tới. Ngoài ra, việc xây dựng thành công DSS trên nền đồ họa máy tính sẽ cung cấp cái nhìn trực quan, thực trạng tình hình BĐKH tại mỗi khu vực cho các nhà hoạch định chính sách. Từ đó, giúp họ có đủ cơ sở để dễ dàng quyết định các biện pháp chống BĐKH và dự báo hệ quả của các biện pháp này về cả ba yếu tố kỹ thuật, xã hội và môi trường (dạng và vị trí công trình bảo vệ, nâng cao năng lực ý thức của người dân, cải thiện môi trường sau thảm họa…).

Hiện nay ở nước ta, “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam” do Bộ TN-MT cũng chỉ đưa ra “phần cứng” của vấn đề về tính toán diện tích ngập lụt. Còn công việc đánh giá toàn bộ tác động của môi trường và kinh tế - xã hội trong các kịch bản này còn nhiều khoảng trống. Trong tương lai không xa, theo đòi hỏi của tình hình chung, việc hoàn thiện kịch bản môi trường và kinh tế - xã hội cần sớm được tiến hành đo đạc và tính toán. Nếu chậm giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ rất khó tích hợp vào hệ thống thông tin địa lý (GIS) cũng như nghiên cứu chống BĐKH của thế giới. Để đạt được điều này, cần có “tư lệnh” trong mặt trận chống BĐKH, đủ sức huy động mọi nguồn chất xám kết nối từ các lĩnh vực đa ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế, môi trường… thống nhất nghiên cứu toàn bộ ba miền đất nước. Tránh tình trạng nghiên cứu khoa học kiểu “thầy bói xem voi” manh mún, riêng lẻ gây lãng phí ngân sách lại không đưa ra được kết quả cuối cùng như yêu cầu nhiệm vụ chống BĐKH trong tình hình hiện nay.

Viết từ Bordeaux (CH Pháp)

NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH (*)
(*) Hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) Cộng hòa Pháp, thành viên nghiên cứu dự án quốc gia Quản lý sự tác động của biến đổi khí hậu (GICC) của Pháp.

Bài cuối: Bài học về “đi tắt đón đầu”