05:09 31/05/2014

Di sản World Cup 2010 tại Nam Phi:Sân bóng rỗng, khách sạn đầy

Nam Phi đã kỳ vọng thu được lợi nhuận cao hơn, lôi kéo được nhiều du khách hơn và thúc đẩy nền bóng đá của mình nhờ World Cup 2010, nhưng 4 năm sau và khi làn sóng phản đối World Cup 2014 tại Brazil đang lên cao, bản tổng kết của Nam Phi cũng không hoàn toàn là màu hồng.

Nam Phi đã kỳ vọng thu được lợi nhuận cao hơn, lôi kéo được nhiều du khách hơn và thúc đẩy nền bóng đá của mình nhờ World Cup 2010, nhưng 4 năm sau và khi làn sóng phản đối World Cup 2014 tại Brazil đang lên cao, bản tổng kết của Nam Phi cũng không hoàn toàn là màu hồng.

 

Bản hòa âm inh ỏi của những chiếc kèn vuvuzela trong những trận World Cup 2010 đã lùi vào quá khứ. Tại sân Cape Town uy nghi giờ đây bao trùm sự tĩnh lặng. Mỗi trận đấu của đội bóng địa phương Ajax Cape Town, thuộc giải vô địch Nam Phi, thường chỉ có khoảng 400 cổ động viên lọt thỏm giữa những khán đài có sức chứa lên đến 64.000 người…

 

Sân Moses Mabhida đang kinh doanh nhảy bungy. Ảnh: mmstadium.com


Việc xây dựng sân Cape Town tiêu tốn hơn 500 triệu USD, một khoản tiền khiến sân bóng này trở thành một trong “những con voi trắng”, như cách người ta gọi các công trình hoành tráng và tốn nhiều tiền của, nhưng lợi ích mang lại thì không được bao nhiêu. Chi phí để vận hành sân cao gấp 4 lần so với tiền cho thuê. Dù nơi đây vẫn là điểm đến của những buổi trình diễn ca nhạc và một số sự kiện khác, nhưng lượng khách hàng của sân đang ngày càng thưa thớt, chủ yếu vì mức giá cao mà các nhà quản lý sân đòi hỏi.


Hội đồng thành phố Cape Town, chủ sở hữu của sân này, đang muốn phát triển khu vực xung quanh sân để lấy tiền bù đắp chi phí quản lý sân bãi. Mặc dù vậy, kế hoạch này lại vấp phải sự phản đối của không ít người dân sống trong khu vực, do lo ngại không gian xanh bị hủy hoại khi các nhà đầu tư nhảy vào.


Nhảy bungy


Tình hình cũng ảm đạm ở Durban. Chỉ có một vài cửa hàng kinh doanh nhỏ, chủ yếu là hàng ăn, mọc lên ở phía bên ngoài sân Moses Mabhida. Các nhà quản lý sân buộc phải thực hiện một dự án khá táo bạo, tận dụng thanh vòm khổng lồ nhô cao của sân. Những người ưa mạo hiểm bây giờ có thể đến Moses Mabhida để nhảy bungy. Chỉ với một sợi dây, người chơi thực hiện những cú nhảy từ thanh vòm và tận hưởng cảm giác được treo mình lơ lửng giữa sân bóng khổng lồ.

Tổng chi phí dự kiến cho World Cup 2014 tại Brazil là cao nhất từ trước đến nay: 14 tỷ USD. Con số này của World Cup 2006 tại Đức là 6 tỷ USD, World Cup 2002 tại Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 tỷ USD, World Cup 2010 tại Nam Phi là 4 tỷ USD, World Cup 1998 tại Pháp là 340 triệu USD và World Cup 1994 tại Mỹ là 30 triệu USD.


Tại Cape Town cũng như ở Durdan, những đội bóng bầu dục nổi tiếng của địa phương đã được mời gọi trở thành chủ sở hữu của những sân bóng rất hiện đại kể trên. Nhưng đáng tiếc, họ lại không thể bỏ những sân bóng riêng đã có từ trước của mình.


Xấp xỉ 1,4 tỷ USD đầu tư cho việc xây mới và nâng cấp các sân vận động phục vụ World Cup 2010 vì thế đang trở nên lãng phí. Ngay cả dự án phát triển bóng đá, vốn rất được yêu thích bởi người da màu chiếm đa số dân số Nam Phi, cũng không thực sự hiệu quả. Sau World Cup 2010, số lượng khán giả trung bình ở giải vô địch Nam Phi dao động trong khoảng 3.800 - 7.100 người/trận. Con số được đưa ra gần đây nhất là 6.700.


Ngay cả khi Nam Phi đăng cai tổ chức giải vô địch các quốc gia châu Phi (CAN) năm 2013, bóng đá vẫn bị át đi bởi bóng bầu dục và bóng chày, những môn thể thao được người da trắng thiểu số và giàu có hơn ưa chuộng. World Cup không thể làm thay đổi quan niệm của họ về bóng đá.


Du lịch hút khách


Nếu như World Cup 2010 mang lại doanh thu 3 tỷ USD cho Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), thì Chính phủ Nam Phi phải bỏ ra nhiều hơn thế cho việc tổ chức giải (4 tỷ USD). Nhưng theo Bộ trưởng Tài chính mới đắc cử Nhlanhla Musa Nene, một thành viên của Ban tổ chức World Cup 2010, những nỗ lực đó của Nam Phi cũng bõ công.


“Chính phủ Nam Phi xem việc tổ chức World Cup 2010 như một chất xúc tác cho sự phát triển. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng là nhằm tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế và đó không phải là sự đầu tư vào một sự kiện duy nhất”, ông Nene tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây.


“World Cup cũng đã giúp cải thiện hình ảnh của Nam Phi trên bình diện quốc tế. Bởi vì, di sản của World Cup chính là sự cải thiện hạ tầng giao thông và mạng lưới khách sạn”, ông Nene nói thêm.


Trên thực tế, ngành du lịch Nam Phi đã được hưởng lợi từ sự kiện World Cup cách đây 4 năm. Bất chấp khủng hoảng tài chính, số lượng khách du lịch nước ngoài tới Nam Phi không ngừng tăng. Theo công bố ngày 20/5 của Bộ Du lịch Nam Phi, số lượng du khách quốc tế đến nước này trong năm 2013 là trên 9,6 triệu lượt, cao hơn so với con số xấp xỉ 9,2 triệu lượt trong năm 2012.


Một hiệu ứng khác, không thể đo đếm bằng con số nhưng có thể cảm nhận được hết sức rõ ràng, đó là khi rảo bước trên các con phố Johannesburg, Cape Town hay Durban bây giờ, có thể nghe thấy người dân nói rằng World Cup đã giúp Nam Phi khẳng định vị trí trên tấm bản đồ thế giới. Dù có những chỉ trích, 20 năm sau lời cáo chung của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid. “Đất nước cầu vồng” của Nelson Mandela mới có một quãng thời gian lễ hội khi giải đấu diễn ra và sự chia sẻ giữa người với người ngày một trở nên gần gũi.


Bảo An