11:07 20/11/2014

Di sản Việt Bắc liên kết để phát triển

Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI (diễn ra từ 18 - 20/11), do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức, đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI (diễn ra từ 18 - 20/11), do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức, đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây là một hoạt động xúc tiến nhằm liên kết các di sản văn hóa vùng Việt Bắc để cùng phát triển du lịch, đặc biệt là với Thái Nguyên, trung tâm vùng Việt Bắc.

Tiềm năng

Ngành “công nghiệp không khói” đang được coi là ngành kinh tế quan trọng, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm - "đầu tàu" kinh tế của toàn vùng... Cách Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm khoảng 80 km, Thái Nguyên không chỉ hấp dẫn du khách bởi những di tích lịch sử gắn với thời kỳ 9 năm kháng chiến như "Thủ đô kháng chiến", trung tâm vùng An toàn khu (ATK), mà còn thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, bởi những giá trị văn hóa phi vật thể đậm đà bản sắc dân tộc vùng miền núi phía Bắc.




Theo thống kê, tỉnh Thái Nguyên có 780 di tích và danh lam thắng cảnh, trong đó có hơn 30 di tích đã được xếp hạng quốc gia, là nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú. Bên cạnh Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa được xếp hạng di tích lịch sử đặc biệt quốc gia với các địa danh nổi tiếng: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, lán Tỉn Keo, đồi Khau Tý... Thái Nguyên còn có nhiều di tích là những “địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ như: Di tích Đại đội Thanh niên Xung phong 915 (thành phố Thái Nguyên) di tích rừng Khuôn Mánh (Võ Nhai)... Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ), hồ Bảo Linh (huyện Định Hóa), hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, di chỉ khảo cổ học Thần Sa (huyện Võ Nhai) - nơi lưu giữ những dấu ấn về nền văn hóa cổ nhất vùng Đông Nam Á... Những điểm đến này có sức thu hút rất lớn đối với khách du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng, khám phá hệ sinh thái tự nhiên.

Cùng với những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử… Thái Nguyên còn thu hút du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo, với các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc như hát Sli, hát Lượn, hát Then, múa Tắc Xình... các lễ hội truyền thống như hội Lồng Tồng của đồng bào Tày ở vùng ATK Định Hóa; lễ hội Đền Đuổm tưởng nhớ, tôn vinh người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, thủ lĩnh phủ Phú Lương, người có công xây dựng vùng đất Phú Lương phồn thịnh, chống giặc Tống giữ yên vùng đất phía Bắc Đại Việt ở thế kỷ XII; lễ hội Đền - đình Cầu Muối (Phú Bình), lễ hội chùa Phủ Liễn, chùa Hang…

Liên kết để phát triển


Với mục tiêu thúc đẩy du lịch Thái Nguyên phát triển, bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; thì sự hợp tác, liên kết giữa các vùng di sản Việt Bắc để tạo ra những sản phẩm du lịch, các tour - tuyến đặc thù trong vùng Việt Bắc, là một trong những yếu tố quan trọng, thúc đẩy sự phát triển du lịch Thái Nguyên nói riêng, vùng Việt Bắc nói chung. Chính vì vậy, những năm qua, Thái Nguyên đã chủ động xây dựng các chương trình phối hợp phát triển du lịch với các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn... xây dựng nhiều tour liên kết như: Thái Nguyên - Thiền viện Trúc Lâm - Chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc); Thái Nguyên - Động Tam Thanh, Nhị Thanh, cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn); Thái Nguyên - hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - Pác Bó, thác Bản Giốc (Cao Bằng); ATK Định Hóa (Thái Nguyên) - Khu di tích lịch sử Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang) - Đồng Văn, Lũng Cú (Hà Giang)...

Mới đây nhất, tại hội thảo về liên kết du lịch giữa Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, ngành du lịch Thái Nguyên đã thống nhất với các tỉnh về việc mở các tour du lịch mới gắn kết các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng gồm: Hồ Núi Cốc, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên), Khu di tích Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), danh thắng Yên Tử, vịnh Hà Long (Quảng Ninh)…

Ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: Để liên kết phát triển du lịch vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Thái Nguyên sẽ cùng với các tỉnh tiếp tục tăng cường, quảng bá sản phẩm du lịch; xuất bản các ấn phẩm về du lịch, giới thiệu về điểm đến, nghiên cứu xây dựng chương trình du lịch mới, tổ chức các cuộc giao lưu, nhằm gặp gỡ, trao đổi với các đối tác, hoàn thiện chương trình tour hoặc nối kết tour giữa các doanh nghiệp... để cùng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hoàng Thảo Nguyên