03:18 25/03/2012

Di dời thành công tượng cụ Phan Bội Châu ở Thừa Thiên - Huế

Ngày 25/3, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên - Huế đã tổ chức di dời thành công bức tượng cụ Phan Bội Châu từ Khu lưu niệm nhà cụ Phan Bội Châu - 119 đường Phan Bội Châu, phường Trường An đến địa điểm mới trên đường Lê Lợi - vị trí trung tâm của thành phố Huế, bên bờ nam sông Hương...

Ngày 25/3, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên - Huế đã tổ chức di dời thành công bức tượng cụ Phan Bội Châu từ Khu lưu niệm nhà cụ Phan Bội Châu - 119 đường Phan Bội Châu, phường Trường An đến địa điểm mới trên đường Lê Lợi - vị trí trung tâm của thành phố Huế, bên bờ nam sông Hương, gần cầu Trường Tiền.

Để việc di dời được an toàn, đơn vị tổ chức đã huy động 10 công nhân, kỹ sư dày dạn kinh nghiệm cùng nhiều trang thiết bị hiện đại như máy cẩu, đầu kéo... có trọng tải lớn. Với sự cẩn trọng đến từng chi tiết của đội ngũ di dời, sau khoảng 6 giờ đồng hồ, bức tượng cụ Phan Bội Châu đã được đặt an toàn vào vị trí mới.

Bức tượng cụ Phan Bội Châu ở Huế. Nguồn: Internet


Bức tượng cụ Phan Bội Châu là tuyệt tác của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, được đúc vào năm 1974 tại Phường Đúc, thành phố Huế. Bức tượng cao khoảng 4,5m, dày và rộng chừng 4,5m, được ghép bằng 13 mảng đồng và nặng gần 10 tấn. Theo các nhà nghiên cứu, bức tượng đã thể hiện sinh động thần thái của nhà chí sĩ Phan Bội Châu, lột tả được nét thông thái, thâm trầm, sáng ngời khí tiết của một sĩ phu. Còn theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là bức tượng có giá trị nghệ thuật và tư tưởng lớn, gắn với lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Năm 1988, thành phố Huế đã tạm thời đặt bức tượng trong khuôn viên khu lưu niệm nhà cụ Phan Bội Châu, 119 đường Phan Bội Châu, phường Trường An, thành phố Huế. Nhưng nơi đây có diện tích khiêm tốn và tỷ lệ không gian không tương xứng với bức tượng. Việc di dời thành công bức tượng cụ Phan Bội Châu đến vị trí mới đã đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo công chúng đồng thời tương xứng với thân thế, sự nghiệp của một danh sĩ và là nhà cách mạng Việt Nam, hoạt động trong thời kỳ Pháp thuộc.

TTXVN/ Tin Tức