02:00 11/02/2012

Dệt may vượt khó - bắt đầu từ nội lực

Sau một năm xuất khẩu (XK) thành công, năm nay sẽ là một giai đoạn đầy khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Ngay những tháng đầu năm, trước những thông tin không mấy lạc quan về thị trường, rất nhiều doanh nghiệp đang sắp xếp lại công việc trong nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào XK.

Sau một năm xuất khẩu (XK) thành công, năm nay sẽ là một giai đoạn đầy khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Ngay những tháng đầu năm, trước những thông tin không mấy lạc quan về thị trường, rất nhiều doanh nghiệp đang sắp xếp lại công việc trong nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào XK.

Khó chồng khó

Khác với con số ấn tượng tăng trưởng hơn 30% của năm 2011, năm nay, theo dự báo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mức tăng trưởng sẽ chỉ còn khoảng 10%. Tính đến đầu tháng 2/2012, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý III và IV, trong khi cùng kỳ năm trước, đa số doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất cho đến quý II và III. Nhiều “ông lớn” trong ngành cho hay, hiện rất khó tìm được những đơn hàng sản xuất lớn với số lượng cả triệu sản phẩm trở lên và hầu hết những hợp đồng mới đều được điều chỉnh theo hướng giảm số lượng xuống 20 - 30%. Do giá nguyên vật liệu giảm, doanh nghiệp XK cũng đang đối mặt với xu hướng giảm giá đơn hàng, góp phần làm cho mức tăng trưởng kim ngạch XK sang các thị trường chính cũng giảm theo từ 10-15%.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nỗ lực giảm dần gia công cho xuất khẩu, tự xây dựng thương hiệu, khẳng định năng lực kinh doanh của mình.


Khảo sát của Vinatex, nhiều thị trường XK chủ lực của doanh nghiệp đang gặp khó. Tại thị trường Nga, doanh nghiệp đang phải cạnh tranh “khốc liệt” với các doanh nghiệp Trung Quốc do họ có lợi thế địa lý giúp giảm được chi phí vận chuyển. Tình trạng khó khăn cũng đang diễn ra đối với những đơn vị có tỷ trọng XK vào thị trường EU lớn trước diễn biến phức tạp về kinh tế, khủng hoảng nợ công lan rộng… “Thị trường XK dệt may chính của chúng ta trong năm nay vẫn là Mỹ, EU, Nhật Bản và chiếm tới 80% tỷ trọng thị trường nhập khẩu. Hiện kinh tế Mỹ vẫn còn khó khăn, nguy cơ vỡ nợ công từ các nước EU, và người tiêu dùng Nhật có xu hướng tiết kiệm chi tiêu… Như thế, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất vất vả tìm kiếm đối tác làm ăn”, ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho hay.

Cơ hội khẳng định mình

Theo Vinatex, giải pháp của ngành trong năm nay và thời gian tới là giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng XK theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), đồng thời tăng sử dụng các nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước... Được xem là những phương thức sản xuất hàng XK có giá trị cao nhất, nhưng 2 phương thức trên đang là điểm yếu nhất của ngành khi chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch XK dệt may. “Trong năm nay và thời gian sắp tới, FOB, ODM sẽ là nền tảng để ngành tăng trưởng mạnh và bền vững. Năm qua, XK theo phương thức ODM của toàn ngành mới đạt khoảng 800 triệu USD, chiếm 5% tổng kim ngạch XK và dự kiến tỷ lệ này sẽ được nâng lên 15% vào năm 2015”, ông Trường nói thêm.

Đón trước xu hướng XK khó khăn, không ít doanh nghiệp lớn đã rất thành công khi xác định phát triển chậm mà chắc, xây dựng thương hiệu, giảm dần gia công, phát triển năng lực nội tại. Tại Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè, năm 2011, kim ngạch XK đạt hơn 350 triệu USD, điều đáng quan tâm là tỷ lệ hàng XK theo phương thức FOB chiếm tới 65%. Sang năm mới, doanh nghiệp đang thu xếp nguồn lực để làm hàng XK theo phương thức ODM. Riêng Công ty May Sài Gòn 2, trong năm qua, hơn một nửa lượng nguyên phụ liệu để sản xuất được đơn vị mua từ các nhà cung cấp nội địa và sang năm 2012, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng nguồn cung từ trong nước nhằm giảm bớt áp lực về tỷ giá và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Hiện nay, giá trị thiết kế trong các sản phẩm may XK của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 5% và theo ông Tường, Vinatex đang có kế hoạch tăng lên 20%, đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu chiếm lĩnh thị trường nội địa. Trong nỗ lực đó, Tổng công ty May 10 vừa liên tiếp khai trương 4 cửa hàng mới nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng bộ sưu tập các sản phẩm thời trang cao cấp mang thương hiệu Eternity GrusZ hướng tới tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình khá trở lên. Tổng công ty May Việt Tiến cũng đã mạnh dạn đầu tư thiết kế và phát triển nhóm sản phẩm thời trang doanh nhân San Sciaro với định hướng xây dựng thương hiệu mang đẳng cấp quốc tế dành riêng cho “những người sành điệu”… Sản xuất theo phương thức gia công, mỗi sản phẩm XK cho lợi nhuận kinh tế rất thấp, trong khi xây dựng được thương hiệu, đầu ra sản phẩm ổn định ngoài việc mang lại giá trị kinh tế lớn hơn còn có tính bền vững đang là giải pháp căn cơ nhiều doanh nghiệp hướng tới.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa