05:00 11/05/2012

Đến năm 2020, khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt. Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân: Chiến lược đã xác định đến năm 2020, khoa học và công nghệ sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế với giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP.

 

Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước


Cùng với tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt trên 20%/năm giai đoạn 2016 - 2020, giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ sẽ tăng trung bình 15 - 17%/năm. Việt Nam phấn đấu là một trong những nước có thứ hạng trong khu vực ASEAN về khoa học và công nghệ.

 

Công ty EAKMAT (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên) cung cấp cho khách hàng cây cà phê giống năng suất và chất lượng cao, kháng được bệnh. Ảnh: Trần Tuấn - TTXVN

 

Chiến lược đề ra mục tiêu số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước tăng trung bình 15 - 20%/năm, tốc độ đăng ký sáng chế giải pháp hữu ích tăng 1,5-2 lần so với 5 năm trước. Không chỉ phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt trên 2% GDP vào năm 2020, Chiến lược còn nêu rõ bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm.


Để tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, Chiến lược xác định xây dựng 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao… Có hệ thống 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ để đóng góp quan trọng cho tăng trưởng. Trong đó, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đủ trình độ với tỷ lệ 11-12 người/1 vạn dân vào năm 2020, có hệ thống khoảng gần 2.000 tổ chức khoa học công nghệ của Nhà nước và các thành phần kinh tế khác.


Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết: Có nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra nhưng giải pháp quan trọng và mang tính đột phá là tăng cường tập trung đầu tư, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ đất nước. Bên cạnh duy trì 2% tổng chi ngân sách, có biện pháp huy động, thu hút đầu tư xã hội, doanh nghiệp. “Để đạt 2% tổng GDP quốc gia dành cho khoa học công nghệ thì chắc chắn các doanh nghiệp phải đóng góp gấp từ 3-4 lần so với mức chi của ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ


Khẳng định Nhà nước luôn khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân giải thích thêm: “Rất nhiều người trong bộ máy của chúng ta vẫn hiểu rằng ngân sách nhà nước chỉ chi cho các cơ quan của Nhà nước. Nhưng trong hoạt động khoa học công nghệ, nhiều năm nay chúng tôi kiên trì thuyết phục các bộ, ngành rằng ngân sách nhà nước là do người dân đóng thuế, vì thế Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ trở lại cho mọi thành phần kinh tế khi họ có ý tưởng sáng tạo, có nghiên cứu đem lại lợi ích cho xã hội”.


Bộ trưởng cho biết, trong nhiều năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện phương châm này. Chúng tôi không chỉ hỗ trợ cho khu vực nhà nước mà còn cho các tổ chức khoa học công nghệ ngoài nhà nước, thậm chí các tổ chức khoa học công nghệ của tư nhân cũng có quyền bình đẳng trong tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ ở cấp nhà nước và các cấp khác. Bộ đã hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác trong quá trình đổi mới khoa học công nghệ.


Ngay từ năm 1999, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119 hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã phát triển và trở thành doanh nghiệp lớn nhờ những dự án đổi mới khoa học công nghệ có sự hỗ trợ của Nhà nước. Bộ trưởng Nguyễn Quân lấy ví dụ từ Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung-Ninh Bình, vốn là một doanh nghiệp tư nhân, nhưng nhờ một số dự án, đề tài mà Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ theo Nghị định 119 cũng như các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, nay đã trở thành một doanh nghiệp lớn, có nhiều đóng góp cho phát triển của kinh tế - xã hội.


Theo Bộ trưởng, đến thời điểm hiện nay, bộ đang tiếp tục hỗ trợ cho rất nhiều doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và cá nhân nhà khoa học. Ngoài ra, bộ còn đặc biệt quan tâm đến người nông dân để những “nhà khoa học chân đất” cũng có sáng kiến cải tiến làm lợi cho đất nước.

 

Phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng


Trước quan điểm cho rằng, việc phát triển điện hạt nhân hiện nay rất nguy hiểm, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, sau sự cố ở các nhà máy điện nguyên tử như Chernobyl năm 1987 và đặc biệt sau sự cố Fukushima, các quốc gia đã dừng chương trình điện hạt nhân của mình. Nhật Bản có 54 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động cũng đã đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuối cùng.


“Nhưng tôi biết rằng, có rất nhiều xu hướng, kể cả tại Nhật Bản vẫn có kiến nghị sau khi nâng mức độ an toàn thì sẽ lại tái khởi động các nhà máy hạt nhân này. Và trên thực tế, đã có nhiều quốc gia phát triển sẽ lại tiếp tục chương trình điện hạt nhân của họ”. Hiện, Việt Nam không đủ tiền nhập nguồn nguyên liệu hóa thạch với giá ngày càng cao, lại chưa có đủ tiềm lực để sản xuất điện từ năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, thủy triều... Nếu làm điện hạt nhân, Việt Nam có thể sử dụng được nguồn ODA của các nước phát triển.


Đối với hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận, Việt Nam chưa đủ kinh nghiệm để trực tiếp giám sát quá trình xây dựng mà phải thuê tư vấn giám sát nước ngoài, đặc biệt là những cơ quan có kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Hiện, bộ đã có chương trình hợp tác, tìm kiếm đối tác, trước mắt thuê chuyên gia tư vấn trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế cũng như báo cáo đầu tư của các chủ đầu tư cũng như của các nhà thầu. Bộ gửi chuyên gia đi đào tạo để có đủ trình độ giám sát toàn bộ quá trình xây dựng nhà máy, đưa nhà máy vào vận hành cùng với các nhà thầu quốc tế, nhà tư vấn giám sát quốc tế. Nếu làm tiếp nhà máy số 3 và 4, các chuyên gia của Việt Nam có thể đủ trình độ để giám sát, tư vấn và đảm bảo chất lượng công trình xây dựng nhà máy, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam.


Hiện nay, Chính phủ Nga đã đồng ý giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu thế hệ mới, công suất lớn, trị giá toàn bộ công trình lên đến 500 triệu USD. Đây là công trình nghiên cứu lớn nhất mà Việt Nam có trong thời điểm này. Việt Nam đang lựa chọn địa điểm cho hoạt động đầu tư để có thể hoàn thành Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân với đội ngũ cán bộ khoa học đủ trình độ, trang thiết bị tiên tiến, trước khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động...


Nguyễn Bích Thủy