12:11 27/12/2010

Đêm Giáng sinh đẫm máu

Hàng loạt vụ nổ bom và tấn công vào các nhà thờ ở Nigiêria đã tạo nên một thảm kịch chưa từng có vào đêm Giáng sinh ở nước này, khiến ít nhất hơn 100 người thương vong.

Hàng loạt vụ nổ bom và tấn công vào các nhà thờ ở Nigiêria đã tạo nên một thảm kịch chưa từng có vào đêm Giáng sinh ở nước này, khiến ít nhất hơn 100 người thương vong.

Theo cảnh sát Nigiêria, 7 vụ nổ đã liên tiếp xảy ra ở các khu vực gần trung tâm thành phố Jos (bang Plateau) khi người dân đang náo nức mua sắm đón Giáng sinh. Ít nhất 32 người thiệt mạng và 74 người ở trong tình trạng nguy kịch đang được cấp cứu tại nhiều bệnh viện bang Plateau.


Cao ủy cảnh sát bang Plateau, ông Abdulrahman Akano, nhận định đây là lần đầu tiên xảy ra hàng loạt vụ nổ nghiêm trọng như vậy, đặc biệt là vào thời điểm chính quyền bang Plateau áp đặt các biện pháp đảm bảo hòa bình và an ninh trong bang.


Đây cũng là vụ tấn công nghiêm trọng đầu tiên ở Jos kể từ khi chính quyền bang Plateau dỡ bỏ lệnh giới nghiêm hôm 20/5. Hiện chưa có cá nhân, tổ chức nào nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom ở thành phố Jos.

Cấp cứu một nạn nhân trong vụ đánh bom liều chết tại Pakixtan. Ảnh: AFP-TTXVN


Cùng ngày, hai nhà thờ ở thành phố Maiduguri (bang Borno, phía bắc Nigiêria) cũng bị tấn công khiến 6 người thiệt mạng. Theo cảnh sát, các thành viên của nhóm Hồi giáo Boko Haram chính là thủ phạm của vụ này.


Theo lời kể của ông Danjuma Akawu thuộc nhà thờ Victory, khoảng 30 tên trang bị súng, dao và bom xăng đã tấn công nhà thờ vào đêm Giáng sinh, giết chết 5 người, gồm vị linh mục, hai người trong ban hát thánh ca và hai người qua đường. Một nhà thờ khác mang tên Christ bị tấn công ngay sau đó một tiếng khi một nhóm vũ trang xả súng giết hại người bảo vệ nhà thờ.


Lúc xảy ra vụ tấn công, nhà thờ Christ không có người. Thống đốc bang Borno, Ali Sheriff, đã nhận định tình hình rất "đáng lo ngại" và cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp để tìm ra thủ phạm.

Sau hàng loạt vụ đánh bom và tấn công đẫm máu, các cơ quan an ninh đã thực thi nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự, như tăng cường lực lượng quân đội ở các nhà thờ, phái đội rà phá bom đến kiểm tra các khu vực nhà thờ…

Ngay sau thảm kịch, Tổng thống Nigiêria Goodluck Jonathan cũng kịch liệt chỉ trích vụ đánh bom ở thành phố Jos, gọi đây là hành động xấu xa khi xảy ra vào thời điểm cả thế giới đang đón Giáng sinh.


Trong khi đó, Thống đốc bang Plateau, ông Jonah Jang, đã lên án các vụ đánh bom xảy ra đêm Giáng sinh và tuyên bố thủ phạm sẽ bị trừng trị vì kích động bạo lực. Ông gọi đây là một Giáng sinh đen tối với người dân Plateau, đồng thời gửi lời chia buồn tới những gia đình mất thân nhân.

Trong một diễn biến khác, tại thành phố Khar (huyện Bajur, Pakixtan), một phụ nữ trong trang phục Hồi giáo ngày 25/12 đã kích nổ một trái bom mang theo người tại trung tâm phân phát thức ăn cứu trợ - nơi có khoảng 300 người đang xếp hàng lấy thức ăn của Chương trình lương thực thế giới, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng và làm bị thương hơn 100 người khác.

Cảnh sát cho rằng đây là lần đầu tiên phiến quân Hồi giáo cử phụ nữ thực hiện một vụ tấn công liều chết ở Pakixtan. Theo hãng tin AP, người này đã kích hoạt khối thuốc nổ sau khi từ chối cho cảnh sát kiểm tra.


Phần lớn nạn nhân là người bộ lạc Salarzai - bộ lạc đầu tiên ủng hộ và hỗ trợ quân đội Pakixtan trong cuộc chiến chống các phiến quân. Người phát ngôn của lực lượng Taliban tại Pakixtan (TTP) đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom tự sát này và cho biết việc bộ lạc này ủng hộ quân đội là lý do họ trở thành mục tiêu của vụ đánh bom.

Sau vụ đánh bom, chính quyền Pakixtan đã tạm thời đóng cửa 4 trung tâm phân phát lương thực trong khu vực huyện Bajur. Đây là nơi nuôi sống hàng ngàn người bị mất nhà cửa kể từ đầu năm 2009 do cuộc chiến giữa quân đội Pakixtan và phiến quân nổi dậy dọc biên giới với Ápganixtan.

Thủ tướng Pakixtan Syed Yousuf Raza Gilani đã lên án vụ đánh bom và tuyên bố rằng người Pakixtan sẽ đoàn kết chống lại phiến quân. Trong khi đó, Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai đã kêu gọi cơ quan chức năng Pakixtan sớm tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm về vụ việc.


Ông cũng nhấn mạnh hai quốc gia cần hợp tác để tăng cường nỗ lực chống lại chủ nghĩa cực đoan. Tổng thống Mỹ Barack Obama đang nghỉ Giáng sinh ở Hawaii cũng lên án vụ tấn công trên và gọi đây là hành động tàn bạo.

Trong vụ một khác, 40 phiến quân đã bị tiêu diệt ở Mohmand sau khi quân đội Pakixtan thực hiện hàng loạt cuộc tấn công. Mohmand là một trong các khu vực bộ lạc mà Mỹ coi là nơi trú ẩn của phiến quân Hồi giáo chống Mỹ và NATO.

Thùy Dương (tổng hợp)