02:10 25/02/2011

"Đêm của bóng tối": Những bi kịch cuộc đời

Thêm một vở diễn về anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, một danh nhân văn hóa, một nhân cách lớn, người đã không còn hiện diện trên đời này đã gần 600 năm nay, được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng, và vừa công diễn.

Thêm một vở diễn về anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, một danh nhân văn hóa, một nhân cách lớn, người đã không còn hiện diện trên đời này đã gần 600 năm nay, được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng, và vừa công diễn.

Nhưng Nguyễn Trãi không phải là nhân vật chính, mà nhân vật chính là Nguyễn Thị Lộ, người vợ tài năng của ông, bà Học sĩ, thày của vua. Cũng không phải lát cắt về đoạn cuộc đời đầy oanh liệt của Nguyễn Trãi khi còn xông pha cùng Lê Lợi, khi soạn "Bình Ngô Đại cáo", khi là ngôi sao Khuê sáng vằng vặc giữa trời...

Mà là Nguyễn Trãi về cuối đời, khi những thế lực đen tối của những kẻ mà sự trong sáng của Nguyễn Trãi luôn làm "đau" họ, khi mà bản thân nhà vua cũng muốn trừng trị "bày tôi trung thành nhưng thẳng thắn" này để củng cố vị trí độc tôn của mình... Nguyễn Trãi khi ấy, dù vẫn sáng tựa sao Khuê, dù vẫn được dân "chở thuyền" bởi dân đã đứng thành hàng hai bên đường tiễn ông về ở ẩn ở Côn Sơn... nhưng lại cũng không còn sức lực để "đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông" nữa, không còn có thể khiến những kẻ như Đại tư đồ Lương Vũ và Thái giám Lê Đa phải run sợ nữa... Thậm chí, còn không cả đủ sức để bảo vệ người phụ nữ mà mình yêu thương nhất đời...

Một hình ảnh Nguyễn Trãi như vậy, nhưng không quá bi lụy, bởi bi kịch của ông cũng là bi kịch tất yếu của kẻ sĩ, khi "thời thế đã thay đổi". Và sự bất hạnh của ông, cũng thật sự không "thấm tháp" gì với nỗi đau của người đàn bà tài năng Nguyễn Thị Lộ, người mà "Trời cao kia đã xô ngã một người đàn bà nhỏ nhoi như thiếp"...

Bởi, Thị Lộ phải giằng xé giữa việc muốn ở bên chăm sóc chồng với việc chấp nhận vào cung chỉ với hy vọng một ngày nào đó sự hiện diện của mình sẽ giúp nhà vua không còn nghi ngờ Nguyễn Trãi nữa và sẽ lại trọng dụng phu quân của bà như xưa. Bởi Thị Lộ sau đó, phải giằng xé giữa những tình cảm đã "chớm nở" với nhà vua - một kẻ cô đơn tới tận cùng, không người tri âm tri kỷ, luôn yếu đuối và muốn bấu víu vào bà; và một bên là sự chung thủy với người chồng mà bà cả đời luôn coi là mặt trời của mình...

Và, đau xót nhất là cảnh cuối cùng của vở diễn, khi Thị Lộ đã trốn về Côn Sơn còn bị nhà vua theo về lập trại ở đây. Và đêm đến, khi nhà vua thì ra khẩu dụ vời Thị Lộ vào chầu, cưỡng lệnh vua là chết, nhưng chứng kiến sự đau đớn của người chồng mình luôn kính trọng khi phải bất lực để "nhà mình thành nhà vua, vợ mình thành vợ vua"... thì không còn nỗi đau nào lớn hơn thế...

Mỗi nhân vật trong vở diễn đều mang trong mình một nỗi đau riêng. Và cả 120 phút của vở diễn là một đêm đen nghẹt thở. Nguyễn Trãi đau nỗi đau thất sủng, Thị Lộ đau nỗi đau phải chọn lựa và hi sinh, nhà vua đau nỗi đau của kẻ "có tất cả mà vẫn chẳng có gì", Hoàng hậu đau nỗi đau của người đàn bà luôn bấp bênh trong sự sủng ái của vua... Những nỗi đau, dù lớn, dù nhỏ cũng đều khiến người xem cảm thông và rưng rưng...

Nhưng, có lẽ một vở diễn bi kịch nhưng không quá bi lụy, dù nó đẩy người xem tới những cung bậc cao nhất của tình cảm, nhưng vẫn có thể chấp nhận, bởi luôn có cái đáng xem, trong nội dung vở diễn, trong cách khai thác các số phận, trong việc diễn xuất của diễn viên, trong việc thiết kế sân khấu... Có lẽ, đó cũng chính là cái tài của nhà viết kịch Lê Quý Dương, cái tài của đạo diễn - NSND Lê Hùng, và quan trọng hơn là cái tài của nhà thiết kế sân khấu Doãn Bằng.

Có thể nói rằng, thiết kế sân khấu đã góp phần rất lớn vào thành công của vở diễn. Hình ảnh cánh hoa sen chao đảo trong suốt vở diễn, mỏng manh, tan tác trong gió bão cuộc đời, nhưng vẫn thể hiện được sự thanh cao, trong sáng của mình... được sử dụng như một thủ pháp chính và cũng là thành công lớn nhất của Doãn Bằng. 

P.V