06:09 03/06/2011

Đề thi vừa sức, có chút bất ngờ

Trong tâm trạng phấn khởi, những học sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) đều cho rằng đề thi Ngữ văn vừa sức mình, không đánh đố và cũng không quá dài. Em Lương Trần Phước (12A, THPT Lê Văn Thiêm) cho biết: “Với đề thi này em làm 5 mặt giấy và vẫn còn 10 phút để soát lại bài.

Đề văn: Có điểm mới

Trong tâm trạng phấn khởi, những học sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) đều cho rằng đề thi Ngữ văn vừa sức mình, không đánh đố và cũng không quá dài. Em Lương Trần Phước (12A, THPT Lê Văn Thiêm) cho biết: “Với đề thi này em làm 5 mặt giấy và vẫn còn 10 phút để soát lại bài. Những câu trong đề thi đều nằm trong chương trình ôn tập. Đề thi không khó cũng không dễ. Chắc em được khoảng 6 đến 7 điểm”.

Nhưng một số thí sinh lại tỏ ra bất ngờ với câu 1 (Về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu) của đề văn này. Em Nguyễn Tuấn Thanh (THPT Phạm Hồng Thái) cho biết: “Em cũng khá bất ngờ với câu 1 đề văn. Mọi năm, câu 1 thường rơi vào phần văn học nước ngoài nói về tác giả, tác phẩm”.

Đánh giá về đề văn, TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên chuyên văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định, nhìn về tổng quan, đề thi phù hợp và vừa sức với đối tượng thí sinh thi tốt nghiệp THPT bởi nội dung kiến thức nằm trọn trong chương trình phổ thông (cụ thể là chương trình văn học lớp 12). Hơn nữa, những yêu cầu về kỹ năng trong đề hoàn toàn là những kỹ năng quen thuộc của chương trình làm văn. Về mặt thời lượng, 150 phút hoàn toàn có thể hoàn thành đề thi này. Đề thi năm nay có một số điểm mới.

Cô giáo Ngô Thị Hồng Liên, giáo viên môn văn THPT Dương Xá (Hà Nội) cho biết: “Tại câu 1 những năm trước là vào phần văn học nước ngoài và chỉ đi vào phần tác giả hình tượng nhưng năm nay lại rơi vào phần chi tiết ở trong truyện ngắn hiện đại Việt Nam".

Đề Vật lý: Không đánh đố

Môn thi Vật lý được nhiều thí sinh nhận định là bám sát chương trình, bài tập đều là dạng cơ bản và không có câu nào đánh đố học sinh. Tuy nhiên, tại HĐCT THPT Nguyễn Gia Thiều không ít thí sinh kêu đề thi Vật lý khó. Em Nguyễn Hải Minh, THPT Vạn Xuân cho biết, đề Vật lý cũng hơi khó và dài.

Trao đổi về môn Vật lý, thầy giáo Hoàng Trung Thuấn, giáo viên dạy Vật lý, Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, nhận định: “Tôi cho rằng đề năm nay rất hay. Có phân hóa trình độ rõ ràng. Học sinh học trung bình sẽ làm được 5 - 6 điểm. Học sinh học khá giỏi “vẫn có đất” để thử sức. Với đề này sẽ có học sinh chủ quan với kiến thức quá cơ bản, khi ra khỏi phòng thi mới biết mình đã sai chỗ không hề khó. Với câu như “Tia x có cùng bản chất với tia nào sau đây?” sau đó đề đưa ra các đáp án với điểm “lừa” rất thú vị. Nói thế để thấy rằng đề không khó nhưng chỗ nâng cao cũng như một vài thử thách trong đề đã giúp phân hóa trình độ học sinh”.

L.V