04:09 08/04/2011

Đề thi tốt nghiệp THPT vẫn theo hướng “mở”

Những thông tin mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 như: Đề thi tiếp tục ra theo hướng “mở”, tiếp tục duy trì thanh tra ủy quyền, không khuyến khích “thi thử” tốt nghiệp nhiều lần...

Những thông tin mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 như: Đề thi tiếp tục ra theo hướng “mở”, tiếp tục duy trì thanh tra ủy quyền, không khuyến khích “thi thử” tốt nghiệp nhiều lần... là những thông tin đã được khẳng định tại cuộc họp báo định kỳ quý I/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) được tổ chức hôm qua (7/4) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa.

Hướng học sinh theo khả năng thông hiểu, vận dụng kiến thức

Bộ GD – ĐT cho biết, về cơ bản kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 vẫn giữ ổn định như năm ngoái. Cụ thể, vẫn duy trì việc tổ chức thi theo cụm trường, duy trì việc chấm chéo bài thi tự luận... “Quy chế thi năm 2010 vẫn áp dụng năm 2011” - ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT, khẳng định.

Liên quan đến hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, những tiêu chí ra đề của kỳ thi tốt nghiệp 2011 bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12 và tiếp tục ra đề thi theo hướng “mở”, tránh những câu hỏi để học sinh học vẹt, học thuộc lòng, đồng thời phải tăng khả năng thông hiểu và vận dụng kiến thức.


Mặc khác, việc ra đề thi đối với kỳ thi này có mức độ yêu cầu phải phù hợp với học sinh có trình độ trung bình trở lên. Số câu hỏi trong đề thi phải đánh giá khả năng thông hiểu chiếm 50% điểm số và điều này đã được quy định rõ trong Quy chế thi tốt nghiệp mới ban hành.

Thí sinh phấn khởi sau giờ thi môn Vật lý tại hội đồng thi trường THPT Việt Đức ở Hà Nội (năm 2010). Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN


Giải thích thêm về hướng ra đề thi, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD - ĐT, nhấn mạnh: “Việc ra đề thi theo chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình phải đảm bảo đủ ba “chuẩn”: Thông hiểu, kỹ năng, vận dụng. Rút kinh nghiệm từ những kỳ thi tốt nghiệp trước, thí sinh chỉ căn cứ vào thực hành mà quên mất khả năng thông hiểu để áp dụng. Vì vậy, khi giáo viên ôn tập cho học sinh cũng cần hướng theo việc thông hiểu và ứng dụng vào thực tiễn. Không nên hiểu chỉ cần học vẹt, học thuộc lòng đã đạt được 50% điểm số bài thi”.

Một điểm mới trong hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp năm nay, Bộ đã hướng giáo viên giúp học sinh ôn tập theo chủ đề. Ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, bên cạnh việc ôn tập trong quá trình dạy học, thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ, nhà trường và giáo viên cần tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề: Nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; nội dung tổng hợp của tất cả các chủ đề đã được ôn tập.

Trước những thông tin coi việc “thi thử” tốt nghiệp là giải pháp đạt kết quả cao trong kỳ thi, ông Vũ Đình Chuẩn giải thích: “Việc tổ chức “thi thử” cũng có thể giúp học sinh làm quen với cách phân tích đề thi, cách làm bài thi và tâm lý thi cử. Việc tổ chức này là do địa phương chủ động lập kế hoạch cho phù hợp. Tuy nhiên, Bộ không khuyến khích việc tổ chức “thi thử” nhiều, gây tâm lý nặng nề, tốn kém thời gian và sức lực của giáo viên và học sinh”.

Duy trì số lượng thanh tra ủy quyền

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010, lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GD – ĐT trên toàn quốc đã giảm 15 lần so với năm 2009. Theo giải thích của lãnh đạo Bộ, trong những năm gần đây kỳ thi tốt nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp nên Bộ đã rút bớt lực lượng thanh tra.


Trước những băn khoăn năm nay có duy trì tiếp việc thanh tra ủy quyền cũng như số lượng người tham gia vào công việc này hay không, ông Phạm Ngọc Trúc, Chánh Thanh tra Bộ GD – ĐT cho biết, Bộ tiếp tục duy trì số lượng thanh tra ủy quyền là giảng viên các trường đại học, cao đẳng như trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2010. Nghĩa là, Bộ sẽ vẫn tiếp tục tăng cường trách nhiệm của các Sở GD – ĐT trong việc tổ chức kỳ thi.


Theo đó, việc cử thanh tra cắm chốt tại hội đồng thi do Sở GD – ĐT chịu trách nhiệm. Còn thanh tra ủy quyền của Bộ chủ yếu giám sát việc tổ chức thi của địa phương, kiểm tra có tính chất đột xuất lưu động một số hội đồng coi thi.

Lực lượng thanh tra của Bộ bao gồm cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng sẽ giám sát việc chuẩn bị tổ chức thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi (kể cả việc phúc khảo).

Lê Vân