07:14 03/07/2015

Đề thi Địa lý sát chương trình nhưng khó đạt điểm cao

Các sĩ tử cả nước tiếp tục bước vào môn thi thứ 5 của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015 với môn Địa lý, thời gian làm bài là 180 phút.

Sáng 3/7, các sĩ tử cả nước tiếp tục bước vào môn thi thứ 5 của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015 với môn Địa lý, thời gian làm bài là 180 phút.

Đây là một trong 5 môn thi tự chọn gồm Vật lý, Địa lý, Hóa học, Lịch sử và Sinh học. Trước khi bước vào phòng thi, nhiều thí sinh dự đoán đề thi sẽ ra về biển đảo vì trước đó vấn đề bảo vệ biển đảo cũng đã được ra trong đề thi văn học. Do đó, đa số thí sinh tự tin về phần bài làm của mình.

Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi Địa lí tại Cụm thi số 1 – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Quý Trung – TTXVN


Thí sinh tự tin về phần bài làm của mình

Tại Hội đồng coi thi trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, buổi thi Địa lý có 98,41% thí sinh đăng kí đến thi. Trước khi bước vào phòng thi, em Phạm Thị Quyên (thí sinh tự do đến từ Vĩnh Phúc, thi tại điểm thi Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội), cho biết: Phần lý thuyết, em tập trung vào kiến thức địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế vì em dự đoán sẽ có câu hỏi liên quan đến tình hình thời sự biển Đông. Đặc thù của lĩnh vực địa lý là chủ quyền, lãnh thổ, bởi vậy, thí sinh càng có cơ hội để hiểu thêm về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thí sinh Hoàng Kim Oanh (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng: Biển đông đang là vấn đề nóng của quốc gia, vì vậy em đã ôn luyện rất kỹ xung quanh chủ đề biển đảo.

Còn thí sinh Đỗ Văn Toàn đến từ Hà Nam là một trong 3 thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất tại điểm thi Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói: "Đề thi Địa lý năm nay đều bám sát chương trình và không quá khó nên em làm bài tốt. Đề thi có 4 câu, câu cuối cùng có liên hệ đến vấn đề biển đảo, nếu ôn tập kỹ chương trình và quan tâm đến thời sự thì sẽ làm bài tốt. Mặc dù, em không dự thi khối C nhưng đề thi Địa lý năm nay em làm được 80-90%.

Thí sinh Nguyễn Hoàng, trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi nhận định: Phần biểu đồ đã được cho biết trước nên thí sinh không phải vất vả để suy nghĩ tìm biểu đồ thích hợp. Ngoài ra, sách chỉ dẫn về địa lý Atlat cũng giúp hỗ trợ nhiều trong đề thi năm nay.

Còn tại các điểm thi tại thành phố Hồ Chí Minh, đa số thí sinh sau khi rời khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài quy định với tâm trạng khá hồ hởi, phấn chấn. Các thí sinh cho rằng, đề thi năm nay "dễ thở" hơn mọi năm.

Cụm thi số 28 (Bình Định, Quảng Ngãi) có 5.828 thí sinh dự thi môn Địa lý, vắng 92 em. Tại điểm thi trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Thành phố Quy Nhơn, Bình Định), thí sinh Phạm Đình Long là người làm xong bài thi sớm gần nửa tiếng vui vẻ cho biết: Em làm được khoảng 90% bài, do em thi khối C nên đã ôn tập rất kỹ môn này. Em thấy đề thi phân hóa rõ ràng, 3 câu đầu dễ, câu cuối để phân loại học sinh giỏi, trọng tâm là kiến thức lớp 12.

Còn thí sinh Kiều Bá Hoàng đến từ Quảng Ngãi chia sẻ: Em thấy đề thi phù hợp với chương trình học nên thời gian làm bài khá thoải mái. Trong đề thi em thích nhất câu số 1 về sông ngòi và câu số 4 về biển đảo, đây là các kiến thức mà mỗi thanh niên ngày nay cần nắm rõ. Em thi khối A nhưng vẫn làm khá tốt, được khoảng 70% đề này.

Tại cụm thi số 20 Đại học Thái Nguyên, thí sinh Trần Thị Cúc ở Thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên tự tin rằng sẽ đạt điểm cao ở câu hỏi Atlat về địa lý Việt Nam, những câu hỏi khác cũng không quá khó, em nghĩ nếu thí sinh có sức học trung bình khá thí có thể đạt 6 đến 7 điểm ở môn thi này.

Có khá nhiều thí sinh thích thú với câu vẽ biểu đồ và xem đây là câu hỏi dễ “ăn điểm” trong bài, nhiều em đã ôn tập kĩ nên hoàn thành bài rất nhanh và còn thoải mái thời gian để kiểm tra kĩ lại phần bài đã làm.

Tại điểm thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), thí sinh Trần Hùng Phúc, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) cũng cho biết: Đề thi không đánh đố thí sinh, nhưng mang tính phân loại cao. Ba câu hỏi đầu tiên dễ gỡ điểm, nhưng đến câu 4 thì mức độ khó hơn hẳn, đòi hỏi thí sinh vừa học thuộc kiến thức nhưng vừa phải biết tổng hợp, phân tích, khái quát thì mới có thể đạt được điểm tối đa.

Tại cụm thi 23, tỉnh Thái Bình, Trần Thị Tình (Thái Bình) làm xong bài sớm nhưng không ra về trước mà ngồi kiểm tra lại bài thi cho đến khi môn thi kết thúc. Bản thân em thấy ý thứ 2 của câu hỏi 4 trong đề thi rất hay. Sự phân loại thí sinh của môn thi nằm ở ý thứ 2 của câu hỏi này, vì ngoài kiến thức được học thì thí sinh phải vận dụng thêm sự hiểu biết xã hội, thời sự thì mới có thể làm tốt được ý này.

Lồng ghép vấn đề xã hội trong đề thi là việc nên làm


Trong những năm gần đây, các đề thi thường được lồng ghép với các vấn đề thời sự xã hội như biển đảo, kỹ năng sống…, nhiều phụ huynh rất ấn tượng và đồng tình với cách ra đề thi như thế này.

Ông Nguyễn Văn Hiền ở Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết ông tâm đắc với những câu hỏi của các đề thi trong những năm gần đây, câu hỏi hướng thí sinh tới chân thiện mỹ, biết trân trọng tình người và đặc biệt dạy cho các cháu biết yêu quê hương, đất nước, quý trọng những cống hiến của lớp cha ông đi trước để có cách sống tốt đẹp hơn. Quan trọng hơn cả là các cháu quan tâm đến đời sống xã hội hiện thực của đất nước qua đề thi.

Thí sinh hội đồng thi trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM trao đổi sau khi thi môn Địa lý. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Cùng với thí sinh cả nước, sáng 3/7, các thí sinh tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông (ở Cụm thi Đại học Tây Nguyên và Cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk chủ trì) đã hoàn thành bài thi môn Địa lý. Theo đánh giá của nhiều giáo viên ở cụm thi này thì đề thi môn Địa lý rất sát với chương trình sách giáo khoa lớp 12, không đánh đố thí sinh nhưng mang tính phân loại rất cao.

Đánh giá về đề thi môn Địa lý năm nay, thầy Nguyễn Công Triều – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trần Đại Nghĩa (Đắk Lắk) nhận xét: Với đề thi này, nhiều thí sinh sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và có thể làm được 6 – 7 điểm. Tuy nhiên, để đạt được điểm 9-10 môn này thì rất khó. Tính phân loại bắt đầu từ ý thứ 2 của câu hỏi số 3.

Đến câu 4 thì mức độ khó hơn hẳn. Câu này là phân loại giữa thí sinh có học lực học trung bình và học sinh khá giỏi. Để làm tốt câu nay, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng tổng hợp kiến thức, tư duy logic, liên kết, sâu chuỗi, lập luận, vận dụng kiến thức mới có thể làm tốt. Nếu thí sinh nào làm tốt câu này thì việc đỗ đại học đã nằm trong tầm tay.

Còn thầy giáo Nguyễn Xuân Tranh, Giáo viên bộ môn Địa Lý, Trường Trung học phổ thông Nam Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cũng cho rằng: "Đề thi năm nay đã bám sát chương trình sách giáo khoa Địa lý lớp 12, nội dung khá toàn diện và chú trọng kỹ năng thực hành của thí sinh. Đặc biệt, đề thi cũng có tính phân loại vì đã đề cập đến vấn đề thời sự, chính trị “nóng” của đất nước. Nhưng thầy cũng đồng quan điểm cho rằng, để đạt điểm tối đa thì rất khó, do câu hỏi số 4 thí sinh phải có kiến thức xã hội, chăm chú theo dõi tình hình thời sự thì mới có thể “ăn” điểm được câu hỏi này".

Thầy Nguyễn Văn Quang, Tổ trưởng môn địa lý Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa nhận định đề thi có nội dung kiến thức trải rộng từ tự nhiên, kinh tế xã hội, dân cư…, 2 câu đầu khá dễ với thí sinh. Các em nếu nắm bài kỹ chắc chắn sẽ đạt được 4 điểm. Đối với câu 3, vẽ biểu đồ, tuy học sinh ít được ôn tập dạng này nhưng vẫn có thể đạt được điểm tối đa nếu nắm vững kiến thức. Riêng câu 4 khá khó đối với học sinh...

Buổi thi sáng 3/7, tại nhiều điểm thi tại Thành phố Hồ Chí Minh khá vắng vẻ so với những ngày thi trước. Các thí sinh đăng ký dự thi môn Địa Lý chủ yếu xét tuyển vào đại học. Vì vậy, một số nơi có rất ít hoặc không có thí sinh đăng ký dự thi môn này, chỉ tập trung tại một số điểm thi, các cụm thi như Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…

Đề Hóa có sự phân loại

Còn ở môn thi hóa, ghi nhận tại điểm thi trường ĐH Bách Khoa (Hà Nội), sau khi kết thúc thời gian làm bài, thí sinh ra về với tâm trạng khá hoang mang, không được vui vẻ, hồ hởi như buổi thi sáng.


Bạn Ánh Dương (học sinh trường THPT Việt Đức) cho biết: “Em thấy đề thi có sự phân loại rõ, nửa đầu là những câu hỏi dễ dành cho các bạn có sức học trung bình khá, còn ở nửa sau, câu hỏi khó hơn nhiều để học sinh giỏi thể hiện khả năng tư duy của mình. Tuy nhiên thì vì số câu hỏi dễ nhiều hơn nên em vẫn tự tin mình làm tốt 80% bài thi này.”


Ngược lại, bạn Thanh Huyền (học sinh trường Trần Hưng Đạo – Nam Định) lại cho rằng với đề thi này, khả năng phân loại thí sinh sẽ không cao. Huyền chia sẻ: “Đề thi hóa có 30 câu hỏi dễ còn lại thì là câu khó và câu cực khó. Em nghĩ với đề thi này thì khả năng được điểm 7 hay 8 sẽ không cao như những năm trước. Các câu hỏi khó thì ngay học sinh khá cũng mất nhiều thời gian để có thể tìm được đáp án đúng. Thế nên so với học sinh trung bình, học sinh khá chỉ trả lời hơn được vài câu thì có thể khoảng cách điểm không quá chênh lệch.”


Thí sinh thi liên thông Đỗ Thị Hà (CĐ Kinh tế kỹ thuật thương mại) chia sẻ: "Đề thi khá dễ, em làm được khoảng 80%, trong đề có 10-15 câu khó dành cho học sinh khá giỏi, nhưng nếu ôn kỹ thì em nghĩ không khó để đạt điểm cao. Đề ra rất nhiều dạng, có câu phân loại thí sinh rõ ràng".


Thí sinh thi lại Vũ Văn Chức (điểm thi ĐH Thủy Lợi) nhận định: "Em làm bài tạm ổn, được khoảng 60%, đề thế này là dễ hơn so với các năm trước em làm, vừa sức và ít câu đánh đố thí sinh, nói chung rất dễ để được từ 6-7 điểm".


Lê Vân-Ninh Thu-Lê Nguyên và nhóm p/v TTXVN tại các địa phương