10:23 19/10/2012

Để phụ nữ trở thành nguồn lực phát triển kinh tế

Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Để chị em phụ nữ ngày càng phát huy tiềm năng của mình, tiếp tục cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành.

Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Để chị em phụ nữ ngày càng phát huy tiềm năng của mình, thực sự trở thành nguồn lực của phát triển kinh tế, vẫn tiếp tục cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành.

 

Nhiều chính sách chăm lo cho lao động nữ

 

Theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong số hơn 12 triệu công nhân viên chức lao động cả nước thì hơn 48% là lao động nữ. Làm cách nào để tăng cường hơn nữa những chính sách chăm lo, ổn định đời sống cho nhóm đối tượng này là nội dung chính của cuộc trao đổi giữa PV Báo Tin tức và bà Nguyễn Thị Thu Hồng (ảnh), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 

´Xin bà cho biết những thế mạnh cũng như hạn chế của nhóm nữ công nhân lao động ở nước ta?


Theo khảo sát của chúng tôi, những ngành công nghiệp có nhiều lao động nữ là ngành dệt may, da giày, thủy sản (chiếm đến 80 - 90%). Trong khối công nhân nữ ở nước ta, 60% là nhóm trẻ tuổi (từ 22 - 35). Nhóm này có ưu điểm là trẻ khỏe, có nhiều thời gian cho công việc do đa số chưa lập gia đình. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là dân di cư, không được đào tạo căn bản, mà khi vào doanh nghiệp mới được học nghề. Trình độ chuyên môn, tay nghề của họ còn nhiều hạn chế nên chỉ làm được công việc phổ thông. Lương thấp, họ phải làm tăng ca để trang trải cuộc sống…


 

Tiến sĩ Dương Thanh Mai, Chuyên viên cao cấp, Cố vấn về các vấn đề chiến lược xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp của Bộ Tư pháp,tích cực tham gia vào việc đưa giáo dục pháp luật vào hệ thống các trường học. Ảnh: An Đăng - TTXVN

 

Hầu hết các công ty, doanh nghiệp không có nhà ở cho công nhân nên họ phải thuê nhà trọ ở ngoài. Có chị em sinh con lại không có chỗ gửi con. Đời sống văn hóa, tinh thần của họ còn nghèo nàn. Họ không có ti vi, sách báo để tham khảo. Họ phải làm tăng ca nên không có thời gian cho những hoạt động vui chơi giải trí, điều kiện ăn uống cũng còn nhiều hạn chế. Do cuộc sống khép kín từ doanh nghiệp về nhà trọ nên hiểu biết xã hội của họ còn ít, vì thế tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội xâm nhập vào chính những khu trọ này.

 

´Công đoàn, với vai trò là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động thời gian qua đã làm gì để giúp đỡ chị em công nhân vượt qua những khó khăn đó?


Hoạt động của công đoàn các địa phương đều tập trung bảo vệ quyền lợi người lao động nhưng mỗi nơi có cách bảo vệ khác nhau. Quan trọng nhất là công đoàn phải tập hợp được tâm tư, nguyện vọng của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng để tham gia vào xây dựng chính sách cho Nhà nước cũng như địa phương. Công đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động sửa đổi bằng cách in tờ gấp pháp luật phát cho chị em, tổ chức tuyên truyền tại khu nhà trọ, tuyên truyền tại chính doanh nghiệp trong những giờ tan ca, giờ ăn cơm... Thậm chí, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo doanh nghiệp và công nhân.


Trong 5 năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động đã phát động quỹ “Mái ấm công đoàn” xây nhà cho cán bộ, công nhân viên khó khăn, huy động được hơn 440 tỉ từ nguồn đóng góp của cán bộ đoàn viên (chiếm 60%) và sự vận động từ các doanh nghiệp. Một quỹ khác là quỹ trợ vốn (CEP), khởi nguồn từ sáng kiến của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, thành lập năm 1991. Đến nay, quỹ đã quay vòng vốn vay trên 5.000 tỷ đồng, giải quyết nguồn vốn vay cho hàng triệu công nhân và người dân, trong đó nữ giới chiếm khoảng 70%. Đặc biệt, chị em không cần thế chấp tài sản, chỉ cần tín chấp qua công đoàn nên rất thuận lợi, đơn giản.


Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động đang có chủ trương tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa để bám sát lao động nữ hơn, đảm bảo cho họ mức lương tối thiểu, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, có nhà ở, nơi gửi con trẻ… Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Nhà nước đã rất cố gắng để tăng mức lương, ổn định đời sống cho nữ công nhân nhưng so với mặt bằng giá chung thì còn chưa theo kịp. Sắp tới, Tổng Liên đoàn Lao động tiếp tục đề xuất với Chính phủ xây dựng mức tiền lương tối thiểu để đảm bảo đời sống tối thiểu cho họ.

 

´Bên cạnh những chính sách đó thì Liên đoàn Lao động có sự phối hợp như thế nào với các cơ quan, ban, ngành khác để chăm lo cho nữ công nhân, thưa bà?


Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện đề án nâng cao đời sống văn hóa cho người lao động. Chúng tôi còn có mối quan hệ khăng khít với Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, hàng năm ký chương trình phối hợp, nêu rõ trách nhiệm trong việc xây dựng, tuyên truyền và triển khai chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường nghề thuộc hệ thống liên đoàn lao động để đào tạo tay nghề cho đội ngũ công nhân…
Nhân ngày 20/10, tôi thay mặt Tổng Liên đoàn Lao động gửi tới các chị em cán bộ, công nhân viên chức cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúng tôi cũng đề nghị các cấp công đoàn phải quan tâm hơn nữa đến những vấn đề thiết thân của các nữ công nhân viên chức lao động.

 

Chân thành cảm ơn bà!