03:00 03/03/2012

Để người dân biên giới an cư, lạc nghiệp

Để thiết thực giải quyết những cấp bách về nơi ăn ở sinh sống của đồng bào vùng khó khăn, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng với Đảng, Nhà nước, đồng thời tri ân đồng bào dân tộc nơi biên giới, hải đảo; tháng 10/2008...

Để thiết thực giải quyết những cấp bách về nơi ăn ở sinh sống của đồng bào vùng khó khăn, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng với Đảng, Nhà nước, đồng thời tri ân đồng bào dân tộc nơi biên giới, hải đảo; tháng 10/2008, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và báo Quân đội Nhân dân mở cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”.

Giấc mơ ngàn đời

Tộc người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) trước năm 1959 chủ yếu sống trong hang đá, không có nhà để ở, dùng củ sắn, củ rừng, cây nhúc, bắt con cua, con ốc để ăn, nhiều khi phải nhịn đói. Dùng vỏ cây để làm khố che thân, mùa đông thì run rẩy chống chọi với giá lạnh vùng sơn cước. Khi gặp người lạ thì không dám tiếp xúc, nhất là phụ nữ và trẻ em. Ở rừng thì thường xuyên bị lũ lụt, nhiều thú dữ, rắn độc nguy hiểm, khi ốm đau không có thuốc, phải cúng Giàng để mong khỏi bệnh…

Bà Hà Thị Liên (thứ tư từ trái sang) - Phó Chủ tịch Trung ương MTTQVN thăm hỏi động viên một gia đình ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An). Ảnh: Viết Tôn

Còn với đồng bào La Hủ ở huyện vùng cao Mường Tè, tỉnh Lai Châu thì cái tên "dân tộc lá vàng" đã ăn sâu vào ý nghĩ của nhiều người, bởi tập tục du canh du cư trên núi cao. Sau mỗi lần họ đến nơi ở mới, dựng lán, lấy lá rừng lợp mái, khi lá lợp lán ngả vàng thì bỏ đi nơi khác. Cứ thế, họ sống phụ thuộc vào tự nhiên, quanh năm đói nghèo, chỉ quen với củ mài, củ sắn. Có nhà ở kiên cố, vững chắc, có cơm ăn áo mặc, con cái được học chữ là giấc mơ ngàn đời của đồng bào La Hủ.

Nhưng giờ đây những khó khăn, lạc hậu ấy đã lùi dần vào quá khứ, giấc mơ của đồng bào được sống trong những ngôi nhà đại đoàn kết chắc chắn do những chiến sĩ quân hàm xanh dựng lên đã trở thành hiện thực. Thực hiện Cuộc vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", một số bản của người La Hủ như: Là Si (xã Thu Lũm), Là Si (xã Ka Lăng), Hà Si, Mu Chi (xã Pa Ủ) đã được xóa nhà tre tranh tạm bợ, người dân được sống trong những căn nhà vững chắc, yên ấm. Đến nay 94 hộ với gần 400 nhân khẩu đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đã ra định cư tập trung ở 3 bản trong xã. Được BĐBP khám chữa bệnh, giúp cái ăn, quần áo, đồ dùng, làm nhà ở, bày cho cách làm ăn, biết làm vệ sinh trong bản, chăn nuôi lợn, bò...

Ông Cao Tiến Thuỳnh thay mặt cho những hộ đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, cho biết: “Năm 2010, BĐBP Quảng Bình giúp đồng bào Rục khai hoang 10 ha làm lúa nước. Nghe nói làm lúa nước thì đồng bào rất lạ. Bởi vì người Rục từ trước đến nay chỉ quen đi săn, đi bắn, đánh bẫy, chặt phá rừng làm rẫy. Nhưng từ khi được BĐBP trực tiếp bày cách khai hoang, cày, bừa, gieo cấy, cuốc cỏ, bón phân, vận động mọi người cùng làm thì bà con đã quen với việc này. Năm vừa rồi, bà con thu hoạch lúa tốt lắm, có nhà được từ 7 tạ đến 1 tấn thóc, riêng gia đình tôi được 8 tạ. Tôi nghĩ nếu không có BĐBP Quảng Bình giúp đỡ thì chắc chắn đồng bào Rục còn khó khăn lắm”.

Hiện thực cuộc sống

Với tình cảm và trách nhiệm của mình, BĐBP trong cả nước đã tích cực chủ động phối hợp với các ngành, các cấp có nhiều hoạt động giúp đỡ đồng bào các dân tộc biên giới, biển – đảo xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống. Kể từ thời điểm phát động (tháng 10/2008) đến nay, BĐBP đã xây dựng được hơn 6.900 nhà đại đoàn kết tặng cho đồng bào, ước tính bình quân mỗi căn trị giá 30 triệu đồng. Tổng kinh phí xây dựng nhà khoảng 241 tỷ đồng. Song song với việc xây dựng nhà cho đồng bào nghèo nơi biên giới, các đơn vị đã phối hợp xây dựng 272 công trình dân sinh ở khu vực biên giới, hải đảo. Mỗi công trình trị giá bình quân 150 triệu đồng; tổng kinh phí khoảng 40,8 tỷ đồng.

Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: Ngay sau khi có kế hoạch của cấp trên, 100% các tỉnh, thành đã làm tốt khâu bình xét lựa chọn đúng đối tượng đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan tạo được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thôn bản. Giao chỉ tiêu cụ thể cho các đồn biên phòng phục trách. Các tỉnh đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác trực tiếp đến làm nhà cho dân. BĐBP luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó khăn gian khổ, tận tụy với công việc. Các đồn biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các lực lượng trên địa bàn, huy động mạnh mẽ sức người, sức của tham gia xây dựng nhà ở cho đồng bào. Một số tỉnh triển khai nhanh, công trình đảm bảo chất lượng tốt như: Quảng Ninh, Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Kon Tum, Bình Phước… Các công trình dân sinh cũng như những ngôi nhà đại đoàn kết được đưa vào sử dụng đã góp phần to lớn trong kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới và cải thiện đáng kể cuộc sống khó khăn bấy lâu nay của đồng bào. Nhiều địa phương đã tổ chức tốt hơn việc dạy học, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho nhân dân, tăng thêm niềm tin lớn lao của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Công tác phối hợp giữa MTTQ với BĐBP thực hiện chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” là việc làm thiết thực và có ý nghĩa về kinh tế, chính trị. Ông Trương Thanh Giảng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết: Thông qua việc thực hiện Cuộc vận động mái ấm nơi biên cương, một lần nữa đã khẳng định tính hiệu quả trong công tác dân vận của BĐBP, nơi các đơn vị đóng quân, tạo được tình cảm của nhân dân ở vùng biên giới với bộ đội, đặc biệt là niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số giành cho BĐBP.

Việc BĐBP xây dựng nhà đại đoàn kết và các công trình dân sinh trên khu vực biên giới thời gian qua chỉ là bước khởi đầu. Trong thời gian tới, BĐBP sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; nâng cao tinh thần cảnh giác với những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, hoạt động phá hoại của bọn phản động và các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới.

Tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; nâng cao năng lực quản lý của chính quyền; phát huy vai trò tích cực của các tổ chức quần chúng; củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng lực lượng công an, dân quân, các trưởng thôn, bản; giúp chính quyền triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện tốt chức năng phòng ngừa, tấn công tội phạm, giải quyết các vụ việc phức tạp và tổ chức tốt các phong trào quần chúng ở địa phương. Trọng tâm là "Phong trào tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm (bản) biên giới". Thực hiện tốt các nội dung chương trình phối hợp với các ngành, đoàn thể; Xây dựng quyết tâm cao, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020; Tiếp tục thực hiện các chương trình xóa mù chữ, phổ biến giáo dục tiểu học, quân dân y kết hợp, xây dựng điểm sáng văn hóa ở các xã, phường biên giới; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện tốt các chính sách xã hội góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân biên giới.

Có thể nói Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã thành công, khẳng định chủ trương đúng đắn, sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cá nhân và tổ chức xã hội, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, của mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP cùng quân dân cả nước. Điều đó đã góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết quân dân, nêu cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân đối với việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới.