08:00 28/08/2014

Để nghệ thuật truyền thống thành “mỏ vàng” của du lịch - Bài 2: Chuyện không đơn giản

Bên cạnh một số tín hiệu mừng, vẫn còn nhiều tồn tại khiến nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam đến nay vẫn chưa thể trở thành một “điểm nhấn” thu hút khách du lịch.

Bên cạnh một số tín hiệu mừng, vẫn còn nhiều tồn tại khiến nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam đến nay vẫn chưa thể trở thành một “điểm nhấn” thu hút khách du lịch.

 

Chương trình nghệ thuật Hồn Việt ở Hà Nội chỉ đỏ đèn được vài buổi rồi tan rã. Ảnh: Lâm Tùng

 

Thực tế cho thấy, các chương trình nghệ thuật truyền thống được xây dựng để đưa vào phục vụ du lịch khá nhiều, song để các chương trình biểu diễn thực sự tạo được ấn tượng và thu hút khách là chuyện không đơn giản.


Không chỉ có rối nước, tuồng, chèo, cải lương… mà nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác cũng được các đơn vị nghệ thuật, các địa phương khai thác, xây dựng thành chương trình để thu hút du khách. Có thể kể đến như những bài hát, điệu múa các vùng dân tộc, hát Xoan, dân xa quan họ Bắc Ninh, ca Huế trên sông Hương, Nhã nhạc cung đình ở Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, nghệ thuật bài Chòi ở khu vực Nam Trung Bộ, đờn ca tài tử ở Nam Bộ… Những loại hình nghệ thuật này khi được đưa ra biểu diễn đã phần nào thu hút được sự chú ý của du khách, song chưa nhiều và chưa thực sự hiệu quả. Bằng chứng là cho đến nay, ngoài sân khấu rối nước hoạt động hiệu quả, các loại hình nghệ thuật khác chỉ làm cầm chừng, rất ít các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống được đưa vào tour du lịch, gắn bó với các tour như một sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Theo ý kiến của nhiều đơn vị lữ hành, một trong những nguyên nhân là do chưa tạo được lòng tin với du khách và đơn vị du lịch. Thực tế cho thấy, nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống được các đơn vị nghệ thuật xây dựng nhằm thu hút khách du lịch, trước khi ra đời được quảng bá rầm rộ, nhưng khi các công ty du lịch đưa vào tour, thì vì nhiều lý do, mà chương trình không còn nữa. Có thể lấy ví dụ từ chương trình “Hồn Việt” của nghệ sỹ Linh Huyền. “Hồn Việt” ra đời cuối năm 2011, biểu diễn định kỳ 2 lần/tháng tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh và nhận được sự đánh giá cao của khán giả cũng như những người yêu văn hóa truyền thống dân tộc.

 

Tháng 7/2013, nghệ sỹ Linh Huyền đưa “Hồn Việt” ra Bắc, dự định sẽ biểu diễn định kỳ hàng tuần ở Nhà hát Lớn (Hà Nội) để phục vụ du khách. Nhưng chỉ biểu diễn được vài buổi, không hiểu vì lý do gì chương trình đã dừng lại. Cuối năm 2012, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đưa chương trình “Âm sắc Việt Nam” vào biểu diễn thử nghiệm để thu hút khách. Nhưng từ khi kết thúc thử nghiệm cho đến nay cũng không thấy tiếp tục. Trước đó, Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long do Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại Nguyên Lai liên kết với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã tổ chức những show diễn ca trù ở địa chỉ 25 Tôn Đản (Hà Nội), nhưng rồi cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi dừng lại… Sự thiếu ổn định của các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống khiến cho các công ty du lịch e ngại, không dám đưa vào trong tour du lịch để mời chào du khách.


Không tìm hiểu kỹ tâm lý, thị hiếu của du khách cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống chưa thu hút được sự quan tâm của du khách. Có một thực tế đáng buồn là, các nhà hát ở ta hiện nay đang mạnh ai nấy làm mà không có sự trao đổi, liên kết, dẫn đến tình trạng các chương trình nghệ thuật được xây dựng na ná nhau, nhiều chương trình biểu diễn có những nội dung giống nhau. Đơn cử như nghệ thuật hát văn với những bài hát hầu đồng hiện đang xuất hiện dày đặc trong cả sân khấu du lịch của tuồng và chèo, hay Dân ca quan họ Bắc Ninh cũng vậy… Chị Caterline, một du khách người Anh chia sẻ: “Khi xem chương trình nghệ thuật truyền thống của các bạn tôi rất thích, nhưng thực tình là không hiểu lắm, dù có phần thuyết minh bằng tiếng Anh. Điều đáng nói là nội dung các tiết mục biểu diễn không liền mạch, có khi đang diễn kịch, các bạn lại chuyển sang hát múa. Có lẽ các bạn muốn giới thiệu nhiều loại hình nghệ thuật cho du khách, nhưng chúng tôi lại thấy nó quá nhiều để có thể cảm nhận được hết ý nghĩa của từng tiết mục”.


Bên cạnh việc các chương trình nghệ thuật chưa thực sự thu hút, thì bản thân các công ty lữ hành cũng có những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa khách du lịch đến với nghệ thuật truyền thống. Đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội cho biết, các công ty du lịch rất muốn đưa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du khách để góp phần làm phong phú thêm sản phẩm tour. Song hầu hết các điểm biểu diễn lại chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ du khách. Giao thông trong nội thành Hà Nội không thuận tiện, không có điểm đỗ xe đón trả khách. Cơ sở vật chất tại các điểm biểu diễn chưa bảo đảm tiện nghi, các chương trình biểu diễn chưa thật phong phú… Đặc biệt, khó khăn nhất là lịch diễn không phù hợp. Hiện nay chỉ có Nhà hát múa rối nước Thăng Long là có thể biểu diễn liên tục theo giờ, bất cứ hãng lữ hành nào đưa khách tới cũng có thể xem được, còn lại các điểm biểu diễn nghệ thuật khác như tuồng, chèo, cải lương thì chương trình biểu diễn theo từng ngày, có khi chỉ có 1-2 buổi/tuần, không phù hợp với thời gian đưa đón khách của công ty, hoặc tiết mục còn quá dài, trong khi thời gian cho mỗi tour không nhiều…


Để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với du khách, theo đại diện của các công ty du lịch, các điểm biểu diễn nghệ thuật phải tự đổi mới mình bằng cách nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nội dung chương trình và thời gian biểu diễn phù hợp. Lấy ví dụ từ phía Nhà hát múa rối nước Thăng Long, bên cạnh việc ký hợp đồng với các công ty lữ hành, mời đại diện các công ty lữ hành đến, trao đổi về các giải pháp phục vụ tốt nhất cho du khách… nhà hát cũng chú trọng đào tạo đội ngũ nghệ sỹ, có chế độ đãi ngộ phù hợp để họ yên tâm công tác và cống hiến. Trong quá trình biểu diễn, nhà hát cần có những điều chỉnh về nghệ thuật để khách nước ngoài hiểu, yêu thích loại hình nghệ thuật rối nước Việt Nam.


Phương Lan - Tạ Nguyên

 

Bài cuối: Không để biến dạng di sản