06:05 07/06/2014

Để loa phát thanh thực sự phát huy giá trị - Bài cuối: Lựa chọn thời điểm và nội dung

Có một thực tế là, dù nhiều người yêu, kẻ ghét nhưng rõ ràng loa phát thanh vẫn rất cần thiết trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị tại địa phương, đồng thời là phương tiện hữu ích với những người dân. Điều quan trọng là làm thế nào để tiếng loa phát thanh ngày càng phát huy hiệu quả...

Có một thực tế là, dù nhiều người yêu, kẻ ghét nhưng rõ ràng loa phát thanh vẫn rất cần thiết trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị tại địa phương, đồng thời là phương tiện hữu ích với những người dân. Điều quan trọng là làm thế nào để tiếng loa phát thanh ngày càng phát huy hiệu quả, sử dụng đúng lúc, đúng chỗ.

 

Gần 30 năm lăn lộn với văn hóa cơ sở, trực tiếp xuống địa phương, giải quyết những kiến nghị liên quan đến loa phường, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Tây Hồ cho biết, loa phường vẫn được đón nhận vì những thông tin liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân. Bản thân ông Phương cũng cho rằng, việc duy trì để loa phường tồn tại là cần thiết. Nhưng tồn tại như thế nào để không làm phiền đến nhân dân thì đó là cả một câu chuyện dài.

 

Loa phường vẫn rất cần thiết trong đời sống của người dân.


Đầu tiên là việc lựa chọn các nội dung thông tin để đưa lên hệ thống loa phường như thế nào cho phù hợp. Theo ông Vũ Hoài Phương, nên ưu tiên những tin tức liên quan đến quyền lợi của người dân, liên quan đến trách nhiệm của cộng đồng. Phải cân nhắc lựa chọn nội dung thông tin cho phù hợp, chọn người thể hiện có chất giọng dễ nghe để có thể hấp dẫn được người nghe, đồng thời cần cân nhắc đến giới hạn âm lượng của mỗi chiếc loa đặt trong khu vực dân cư sao cho phù hợp.


Bên cạnh đó, cần chọn khung giờ và thời lượng phát hợp lý để truyền tải những nội dung thông tin tuyên truyền. Ông Phương cho rằng, buổi sáng nên phát trước giờ người dân đi làm (trong khoảng thời gian 6 giờ 30 phút đến 7 giờ). Thời lượng phát buổi sáng nên chỉ 10 - 15 phút là tốt nhất. Còn buổi chiều, nên phát vào khoảng thời gian từ 17 giờ 30 - 18 giờ là hợp lý nhất. “Tôi rất phản đối việc phát loa trong khoảng thời gian từ 16 giờ 30 - 17giờ 30, vì lúc này có cơ quan còn chưa hết giờ làm, nếu có hết giờ làm thì đó cũng là thời gian mà mọi người vội vàng đi về nhà, đi chợ, đón con ở trường học… nên phát sẽ phản cảm, không hiệu quả và gây phản ứng tiêu cực là điều không tránh khỏi”, ông Vũ Hoài Phương nói.


Đó là ở những khu vực dân cư nội thị, còn ở các vùng nông nghiệp, có thể phát vào buổi trưa, nhưng nội dung không quá dài, không làm ảnh hưởng đến bà con. Lấy ví dụ, một số phường ở Tây Hồ, bà con còn trồng đào, quất. Những thông tin liên quan đến quyền lợi của họ rất đón chờ. Đó là những thông tin về thời tiết, cách chăm bón hoa như thế nào để hoa đào nở đúng Tết… Mặc dù những người trồng đào đều đã có kinh nghiệm, nhưng những thông tin như vậy bà con vẫn cần.


Ông Vũ Hoài Phương khẳng định, nếu như chúng ta đáp ứng được những yêu cầu như trên, thì chắc chắn loa phường sẽ không gây khó chịu, ức chế cho người dân nhiều như bây giờ và “chỉ số hài lòng” về loa phường trong nhân dân chắc chắn sẽ cao hơn hiện nay.


Bà Đặng Hồng Vân, Trưởng phòng Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (Sở TT& TT) cũng cho rằng, hệ thống loa phường có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền thông tin, đặc biệt là trong các đợt tuyên truyền chính trị trọng tâm thì chỉ có hệ thống loa phường là có tác dụng nhất trong việc đưa thông tin đến tất cả người dân.


Về vấn đề tiếp nhận thông tin từ chiếc loa phường, bà Vân cho rằng, phải xem xét từ nhiều khía cạnh. “Hằng năm chúng tôi đều có các cuộc khảo sát ở từng khu vực. Qua các cuộc khảo sát cho thấy, người dân ở các khu vực khác nhau thì có nhu cầu thông tin khác nhau. Ví dụ, khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm có nhiều ý kiến đề nghị cần phải tăng cường thêm lượng thông tin nhiều hơn và sâu hơn trên hệ thống loa phường, trong khi ở nhiều khu vực ngoại thành thì người dân lại không mấy quan tâm.


Đây cũng là vấn đề cần phải nghiên cứu để phân cấp đối tượng trong các khu vực, vì việc tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân là bắt buộc, để nâng cao nhận thức và phổ biến các chính sách đến người dân. Chúng tôi đang có chương trình lắp đặt nâng cao hệ thống phát thanh cơ sở đến 16 xã miền núi của Hà Nội, bởi cho đến nay, loa phường vẫn là kênh thông tin hiệu quả nhất, vẫn còn phù hợp và dễ thực hiện”, bà Vân khẳng định.


Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Ngân, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH,TT&DL Hải Dương cũng khẳng định, hệ thống loa phát thanh xã phường hiện vẫn rất cần thiết và vẫn phát huy tác dụng trong giai đoạn hiện nay. Ở Hải Dương vẫn thường xuyên duy trì tốt hệ thống loa này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có khung giờ phát sóng hợp lý, tránh để ảnh hưởng đến người dân.


Còn ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai thì cho rằng, ở các vùng đô thị thì không cần thiết phải duy trì hệ thống loa phát thanh, vì hầu như không có tác dụng. Ngay như ở Sa Pa, dù là thị trấn miền núi, nhưng là đất du lịch, nên hệ thống loa phường giờ cũng hầu như không hoạt động, vì như vậy ảnh hưởng đến du khách. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, đối với những xã, bản ở xa trung tâm thì loa phát thanh vẫn cần và còn phát huy tác dụng, vì địa hình các hộ gia đình cách xa nhau, đi lại khó khăn, nếu có chiếc loa thì khi có công việc, lãnh đạo xã hoặc trưởng thôn, xóm có thể thông báo những thông tin cần thiết đến các hộ gia đình nhanh và kịp thời.


Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến của người dân cũng như đại diện lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, ở những khu đô thị hay ở những địa phương có nhiều người có nhu cầu nghe loa truyền thanh, thì cơ sở cũng nên tham khảo ý kiến người dân về nội dung và những khung giờ phù hợp với bà con. Có như vậy, thì tiếng loa phường mới thực sự phát huy được hiệu quả tuyên truyền như mong đợi.


Phương Lan - Tạ Nguyên