08:23 21/08/2011

Để khuyến mại không là “cái bẫy”

Có lẽ chưa khi nào hoạt động khuyến mại tại Hà Nội cũng như các đô thị lớn lại sôi động, phát triển mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng như hiện nay. Khuyến mại đã trở thành trào lưu của xã hội, đến nỗi cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối, dù to hay nhỏ đều thực hiện khuyến mại một cách thường xuyên.

Có lẽ chưa khi nào hoạt động khuyến mại tại Hà Nội cũng như các đô thị lớn lại sôi động, phát triển mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng như hiện nay. Khuyến mại đã trở thành trào lưu của xã hội, đến nỗi cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối, dù to hay nhỏ đều thực hiện khuyến mại và khuyến mại một cách thường xuyên. Nhưng vấn đề lại là, ngoài lợi ích của doanh nghiệp, của người kinh doanh, hoạt động khuyến mại có thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và sự quản lý của cơ quan chức năng ra sao?

Siêu thị điện máy – nội thất HC, một trong những siêu thị tham gia với nhiều chương trình khuyến mại.



Thời điểm cuối năm (đối với đa phần hàng tiêu dùng) hoặc giao mùa (đối với hàng theo mùa vụ) hoặc ngay cả thời gian bán hàng cao điểm, giới kinh doanh vẫn tung ra các chương trình khuyến mại. Mỗi đợt khuyến mại có thể thực hiện với quy mô từ vài chục tới vài trăm mặt hàng với giá trị tới hàng tỷ đồng cùng một loạt lời mời gọi hấp dẫn. Việc trưng bày, trang trí cổ động thì vô cùng bắt mắt, khiến bất kỳ ai cũng phải quan tâm. Các siêu thị kinh doanh điện máy, điện tử như Pico, Nguyễn Kim – Tràng Thi, HC, Việt Long, Hương Anh… thường có những đợt khuyến mại rầm rộ, giảm giá sâu, kèm quà tặng hoặc rút thăm trúng thưởng trị giá lớn. Các siêu thị tổng hợp có quy mô lớn như Big C, Metro, Fivimart, Intimex, Saigon Coop Hanoi…. Cũng khuyến mại các mặt hàng rất đa dạng, từ hàng bình dân đến cao cấp với nhiều hình thức khác nhau. Ngay cả các cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh quần áo thời trang, giày dép, kính, mũ ở đường phố cũng đua nhau khuyến mại, xả hàng, nhất là thời điểm cuối năm.

Riêng từ đầu năm đến nay, Sở Công thương Hà Nội tiếp nhận 4.000 thông báo khuyến mại với tổng giá trị khuyến mại lên tới 2.585 tỷ đồng. Sở cũng xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại 50 chương trình khuyến mại mang tính may rủi với tổng giá trị khuyến mại 6,7 tỷ đồng. Bà Vũ Kim Loan, ngõ 1194, đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Chỗ nào cũng thấy khuyến mại, ở đâu cũng thấy khuyến mại khiến người tiêu dùng như lạc vào “mê đồ trận”. Mỗi khi cần mua thứ gì, vợ chồng tôi lại khảo sát rất nhiều siêu thị xem chỗ nào khuyến mại nhiều, hàng nào có chất lượng tốt để mua, nhưng phải là siêu thị có uy tín”.

Tuy vậy, bên cạnh lợi ích đưa lại cho người tiêu dùng từ các chương trình khuyến mại, không ít khách hàng phàn nàn về các chiêu khuyến mại của siêu thị. Ví dụ, tại một siêu thị điện máy, điện tử nọ khi quảng cáo giảm giá máy tính xách tay từ 9,6 triệu xuống còn 7,3 triệu với số lượng có hạn. Khách hàng tới hỏi đều nhận được câu trả lời “hết hàng” và các thượng đế không khỏi khi ngờ liệu đó có phải là thực tế hay siêu thị này “treo đầu dê bán thịt chó” nhằm mục đích kéo khách đến với mình, để khách không mua cái nọ có thể mua cái kia. Cũng có trường hợp, giới kinh doanh bán giá thông thường nhưng lại niêm yết giá đã khuyến mại với mức đã giảm từ 10 - 20% và còn cao hơn rất nhiều so với mặt hàng cùng loại trên thị trường. Mới đây, một siêu thị điện máy tại Cầu Giấy tuyên bố giảm 50% cho 60 đơn hàng đầu tiên dưới 4 triệu đồng. Thế nhưng, khi đến nơi khách hàng được thông báo phải mua sản phẩm trước với 100% giá gốc sau đó bốc thăm, nếu may mắn bốc trúng phiếu ưu đãi thì được hoàn lại số tiền tương đương 50% tổng giá trị sản phẩm. Và còn vô vàn các chiêu thức khác được các siêu thị dùng để “câu khách” khiến hoạt động khuyến mại bị lạm dụng, biến tướng.

Đi tìm câu trả lời về khả năng quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Công thương Hà Nội đối với hoạt động khuyến mại trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Linh, Phó phòng Kế hoạch Tài chính cho biết: “Với những hoạt động khuyến mại thông thường, đơn vị gửi thông báo tới Sở Công Thương, chúng tôi xem xét nội dung phù hợp quy định sẽ tiếp nhận thông báo, nếu không phù hợp sẽ yêu cầu điều chỉnh hoặc yêu cầu dừng khuyến mại. Riêng khuyến mại mang tính may rủi , đơn vị phải đăng ký thực hiện khuyến mại và cơ quan Sở xác nhận đăng ký”. Như vậy, Sở không thể kiểm soát hết quá trình thực hiện khuyến mại của các đơn vị và lực lượng quản lý thị trường chỉ vào cuộc khi nhận thấy có dấu hiệu vi phạm. Có chăng, Sở Công thương chỉ giám sát được khuyến mại mang tính may rủi vì quy định của hình thức này chặt chẽ hơn. Cũng từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội ra 6 quyết định thu hồi 50% giá trị giải thưởng khuyến mại may rủi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định với tổng giá trị trên 41 triệu đồng.

Thực tế, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã từng kiểm tra và xử phạt những trường hợp vi phạm khuyến mại nhưng mới dừng lại con số rất nhỏ. Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội khẳng định: “Công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào việc người tiêu dùng chủ động phản ánh với lực lượng quản lý thị trường. Chúng tôi kiên quyết vào cuộc nếu có thông tin vi phạm. Còn việc giám sát, phát hiện vi phạm trong hoạt động khuyến mại của đơn vị quả thực rất khó”.

Đinh Thị Thuận