01:07 24/01/2015

Để hàng Việt chiếm lĩnh sâu thị trường nông thôn

Trong nhiều năm qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp được Hà Nội chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân được sử dụng hàng hóa có chất lượng, giá cả phù hợp, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

Trong nhiều năm qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp được Hà Nội chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân được sử dụng hàng hóa có chất lượng, giá cả phù hợp, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

Đa dạng hóa hình thức đưa hàng

Hàng Việt Nam chất lượng cao được giới thiệu tại Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Năm nay, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức 7 trung tâm thương mại bán hàng tại 7 quận, huyện phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Chương trình được chia làm hai đợt, đợt 1 tổ chức từ ngày 7 - 11/2/2015 (tức ngày 19 - 23/12 âm lịch) tại các huyện Ứng Hòa, Ba Vì, Phúc Thọ; đợt 2 từ ngày 10 - 15/2/2015 (tức ngày 22 - 27/12 âm lịch) tại các huyện Hoài Đức, Mê Linh, Sóc Sơn và quận Hoàng Mai. Quy mô mỗi trung tâm thương mại từ 40 - 60 gian hàng tiêu chuẩn. Doanh nghiệp thương mại và UBND các quận, huyện vừa tổ chức bán hàng bình ổn giá, vừa kết hợp với tổ chức hội chợ với các mặt hàng phục vụ phong phú, đa dạng hơn.

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán 2015, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Thương mại Hà Nội tổ chức 3 phiên chợ Tết trên địa bàn các huyện Ứng Hòa, Quốc Oai, Thường Tín. Thời gian dự kiến tổ chức từ 10 - 14/2/2015 (tức ngày 22 - 26/12 âm lịch). Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, hiện nay, Hapro đã cơ bản chuẩn bị xong hàng hóa, nhân lực, phương tiện để tổ chức 3 phiên chợ Tết tại ngoại thành. Hàng hóa chuẩn bị cho các phiên chợ Tết hầu hết là hàng Việt Nam, có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý.

Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá kết hợp với các nhóm hàng phục vụ Tết về khu vực nông thôn, chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu chế xuất. Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, các doanh nghiệp tiếp tục tổ chức khoảng 150 chuyến bán hàng lưu động, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố trong dịp Tết. Trong đó, Hapro là đơn vị chủ lực.

Sở Công Thương Hà Nội cũng yêu cầu doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải là hàng Việt, đảm bảo chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, giá hợp lý. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, hàng dệt may, da giày, thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng, sản phẩm làng nghề truyền thống.

Vì trọng trách xã hội

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, đảm bảo cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết Ất Mùi là nhiệm vụ hàng đầu của ngành trong dịp này. Nhiệm vụ này gắn liền với thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam, từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Chương trình đưa hàng về nông thôn đang được coi là kênh để doanh nghiệp thương mại mở rộng thị trường đến vùng nông thôn, nắm bắt tâm lý tiêu dùng người dân khu vực này để có những định hướng phù hợp. Tuy nhiên, thời điểm này, theo nhận định của các doanh nghiệp thương mại, chi phí cho những chuyến bán hàng đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa khá cao trong khi lợi nhuận còn thấp. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Hapro giải thích: do địa điểm phân tán, thu nhập người dân chưa cao nên sức mua còn thấp, nhưng vì nhiệm vụ chung, vì cộng đồng nên Hapro tiếp tục đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con và đó cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp nói chung.

Mặc dù vậy, về lâu dài, để hàng Việt chiếm lĩnh sâu hơn thị trường nông thôn, người dân nông thôn được sử dụng thường xuyên sản phẩm sản xuất trong nước, ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp, Hà Nội đang triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn, hệ thống phân phối về nông thôn.


BKT