02:08 01/02/2012

Để điện ảnh Việt Nam hội nhập và phát triển: Phải đầu tư vào con người!

Thời gian qua, ngành điện ảnh Việt Nam đã trải qua nhiều sóng gió, do chủ quan và khách quan đưa lại. Những người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam đều lo lắng, trăn trở, thậm chí một số người còn tỏ ra thất vọng, bi quan trước tình hình xuống dốc, thậm chí là khủng hoảng của điện ảnh nước nhà.

Thời gian qua, ngành điện ảnh Việt Nam đã trải qua nhiều sóng gió, do chủ quan và khách quan đưa lại. Những người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam đều lo lắng, trăn trở, thậm chí một số người còn tỏ ra thất vọng, bi quan trước tình hình xuống dốc, thậm chí là khủng hoảng của điện ảnh nước nhà. Trong chặng đường dài đi tìm giải pháp để đưa điện ảnh Việt Nam hội nhập và phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư cho con người là yếu tố có tính quyết định.

Thăng trầm của điện ảnh

Theo tiến sỹ Dean Wilson, nhà điện ảnh Mỹ, điện ảnh Việt Nam đã có một “kỷ nguyên vàng” vào những thập niên 1960-1970. Đó là thời kỳ mà điện ảnh Việt Nam nhận được hậu thuẫn lớn nhất của toàn xã hội, và đổi lại, nó đã tạo ra được một sức mạnh phi thường trong hoàn cảnh cuộc sống khắc nghiệt để thể hiện rõ nét nhất gương mặt văn hóa và xã hội của đất nước khi đó. Tiến sỹ Dean Wilson cũng đánh giá, những thành công này không phải dễ dàng có được trong bất cứ giai đoạn phát triển nào. Nhưng sau hơn 20 năm đổi mới, qua nhiều cuộc diễn biến thăng trầm, hiện điện ảnh Việt Nam vẫn chưa tìm được mô hình thích hợp, dù đã có rất nhiều chuyến đi tham quan, khảo sát, nghiên cứu ở những nơi có nền điện ảnh phát triển như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… Lý giải của NSND Trần Hải Ninh, sở dĩ điện ảnh VN có một “kỷ nguyên vàng” vì trong quá khứ, điện ảnh Việt Nam đã có một cấu trúc hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, đáp ứng được yêu cầu của con người và xã hội.

Theo tiến sỹ Ngô Phương Lan, Phó cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh, để nhìn nhận thực trạng điện ảnh VN, cần phải đánh giá lại cả quá trình hơn 20 năm sau khi đất nước bước vào đổi mới (năm 1986). Năm 1989, điện ảnh VN xóa bỏ bao cấp trong sản xuất và phát hành phim. Bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước, sự chuyển đổi này của điện ảnh là tất yếu và đúng xu thế phát triển chung, nhưng đồng thời lại tiềm ẩn nhiều bất cập. Đó là việc ngành điện ảnh chưa có sự chuẩn bị kỹ để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển, dẫn đến xu hướng thương mại hóa điện ảnh với những phim mì ăn liền suốt những năm nửa đầu thập kỷ 90. Tiếp đó, sự chuyển đổi cơ chế được tiến hành nửa vời: Các nhà sản xuất phim tư nhân chưa được chính danh – chưa có tư cách pháp nhân, dẫn đến tình trạng lách cơ chế, mua “mũ” của hãng phim và nhiều tiêu cực. Theo đó, nhà sản xuất phim tư nhân không chịu trách nhiệm và nếu sản phẩm điện ảnh đó kém chất lượng thì họ cũng không lo bị ảnh hưởng uy tín.

Ngày 30/12/2002, Quyết định số 38/2002/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa Thông tin quy định điều kiện thành lập cơ sở sản xuất phim và thẩm quyền, thủ tục duyệt phim được ban hành, đã công nhận tư cách pháp nhân đầy đủ của hãng phim tư nhân. Sự phát triển của khu vực điện ảnh tư nhân đem lại sự sôi nổi của thị trường điện ảnh, thu hút khán giả đến rạp, làm sống lại các rạp chiếu phim từng ngắc ngoải trong suốt hơn một thập kỷ. Diện mạo điện ảnh VN cũng phong phú đa dạng hơn.

Bà Ngô Phương Lan, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh cho biết: Đầu tháng 11/2011, Cục Điện ảnh có tiếp ông Frank S.Rittman – Phó Chủ tịch Hiệp hội điện ảnh thế giới (MPA-Motion Piture Association-International), ông Frank đã cung cấp một thông tin mà có lẽ ít ai biết được, kể cả những người có nhiều kinh nghiệm nhất trong ngành điện ảnh – đó là cách đây 10 năm, doanh thu của điện ảnh Việt Nam là 2 triệu USD/năm, còn năm 2010 là 26 triệu USD. Như vậy là trong 10 năm, doanh thu điện ảnh tăng gấp 13 lần. Vấn đề là doanh thu ấy có tác dụng tái đầu tư hay thúc đẩy điện ảnh VN như thế nào, thì chưa có lời giải đáp.

Thực tế của điện ảnh VN trong cơ chế thị trường định hướng XHCN đang tồn tại một số vấn đề mà các cấp lãnh đạo và quản lý ngành, các cơ sở điện ảnh, và đặc biệt là các nghệ sỹ, người làm điện ảnh đều trăn trở và mong tìm hướng giải quyết. Bởi vậy, việc hệ trọng đầu tiên là đánh giá đúng thực trạng điện ảnh ở mọi phương diện, từ việc sáng tác, sản xuất phim; tuyên truyền, quảng bá tác phẩm điện ảnh; phát hành, phổ biến phim; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, yếu tố con người trong đội ngũ làm điện ảnh... Đây là những khâu đang đóng vai trò quyết định trong sự vận hành của “cỗ máy” điện ảnh. Từ đó giải quyết vấn đề hệ trọng và thiết thực hơn là tìm ra những giải pháp trước mắt và lâu dài để củng cố và phát triển nền điện ảnh dân tộc.

Phải khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa, trong đó, điện ảnh là ngành nghệ thuật được quan tâm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ nhất: Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 năm 2006 có hiệu lực từ ngày 1/1/2007; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh 31/2009/QH12 có hiệu lực từ ngày 1/10/2009; gần đây là Nghị định số 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có hiệu lực từ 7/7/2010. Nhưng vấn đề quan trọng là hệ thống văn bản, luật pháp ấy đã được thi hành đến đâu, hiệu quả ra sao và làm thế nào để các quy định của pháp luật điều chỉnh hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy điện ảnh phát triển.

Giải quyết “bài toán” nhân lực

Theo đạo diễn NSND Huy Thành, mặc dù chúng ta rất sợ từ “bao cấp”, nhưng nhất thiết đề nghị phải bao cấp điện ảnh, ngoài khâu sản xuất, cần chú trọng đến khâu tiếp thị quảng cáo cho phim, phát động chiến dịch người Việt xem phim Việt. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng cho rằng, dòng chủ lưu của điện ảnh VN phải do Nhà nước thực hiện, nếu bộ phim không đạt chuẩn thì người duyệt kịch bản bộ phim, người điều hành sản xuất phải chịu trách nhiệm, bộ phận biên tập phải chịu trách nhiệm… Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng, trong giai đoạn trước mắt, nguồn lực từ Nhà nước vẫn phải là chủ đạo. Mỗi năm Nhà nước nên đầu tư cho khoảng 20 phim với dự toán thời giá hiện nay là 5 tỷ đồng/phim, không kể tư nhân hay Nhà nước, miễn là có kịch bản tốt.

Ông Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh thì khẳng định, để điện ảnh VN phát triển, vấn đề nhân lực là quan trọng nhất. Mấy năm gần đây, nhiều bộ phim đã tạo được dòng chảy mới, nhiều đạo diễn đã tìm tòi thể nghiệm táo bạo và được chấp nhận, đó là điều đáng mừng. Nhưng nhìn chung chưa có ngọn cờ đủ sức phất cao để tạo nên bước đột phá trong sáng tạo, tạo xu hướng hướng mới, những khuynh hướng sáng tác mới… Vấn đề nổi cộm hiện nay của điện ảnh VN là việc thiếu nhân lực, thiếu những diễn viên chuyên nghiệp. Ông Kim cho rằng, cần lựa chọn và cử đội ngũ ra nước ngoài để học tập. Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng cho rằng, cần chú trọng đến đầu tư cho con người, nên tuyển chọn kỹ lưỡng và cử một lực lượng đông đảo đi học nước ngoài, thế hệ này sẽ kế tiếp và phát triển điện ảnh VN. Đạo diễn, NSND Huy Thành cũng cho rằng, ngành điện ảnh VN cần phải đào tạo giám đốc sản xuất thật xuất sắc, bởi bộ phim làm ra có tiêu thụ được hay không, vai trò của giám đốc sản xuất là rất lớn. Trong khi đó, vị trí này ở Việt Nam vẫn đang bỏ ngỏ. Đồng quan điểm này, NSND Nguyễn Hải Ninh cho rằng, điện ảnh VN đã có nền tảng tốt, nhưng lại đang thiếu một kiến trúc sư tài năng, có trình độ cao, hiểu biết và tâm huyết với sự nghiệp điện ảnh nước nhà, và cần người hậu thuẫn tài năng… để làm sống lại không khí nghệ thuật tạo ra diện mạo mới cho điện ảnh VN.

Theo NSND Thế Anh, để điện ảnh VN thật tốt, phải có những con người thật tốt thúc đẩy nền điện ảnh hiện nay. Nhà nước phải đầu tư nhiều, vì đào tạo con người phải có thời gian, cần chọn những thanh niên ưu tú cử đi học 4-5 năm, trong 10 người sẽ phải có một người, thế hệ đó sẽ xoay chuyển điện ảnh VN hiện nay. Chúng ta hiện nay đang thừa đề tài, nhưng thiếu người làm, thừa diễn viên đẹp, nhưng thiếu diễn xuất tốt. Hiện nay, lớp đạo diễn trước đều đã già, số đạo diễn mới lên đa phần theo kiểu kèm cặp lâu năm lên lão làng chứ không được học hành một cách bài bản. Mặc dù cả nước hiện có tới 2 trung tâm đào tạo điện ảnh, nhưng bản thân thày và trò đều “chưa tới”, nên việc đào tạo chưa thực sự tốt.
Theo bà Ngô Phương Lan, Phó cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh thừa nhận, bên cạnh việc tăng cường sáng tác, sản xuất, tuyên truyền, phổ biến phim, đầu tư cho điện ảnh... thì giải pháp quyết định, yếu tố quan trọng nhất để củng cố, xây dựng và đưa điện ảnh VN phát triển chính là xuất phát từ con người: Người tài trong sáng tác, người có chuyên môn, tay nghề công nghệ, kỹ thuật cao; người có trình độ trong kinh nghiệm quản lý…

Người Việt xem phim Việt

Rất nhiều người tâm huyết với điện ảnh Việt Nam đã nói, chúng ta có cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, vậy thì tại sao điện ảnh Việt Nam không có cuộc vận động tương tự “Người Việt xem phim Việt”. Theo đạo diễn, NSND Huy Thành, để cứu nền điện ảnh Việt không bị xâm lấn bởi điện ảnh ngoại nhập, cần đưa ra chính sách phát động “Người Việt xem phim Việt!”. Ngoài ra, cần chú ý đến khâu tiếp thị quảng cáo cho bộ phim để thu hút khán giả đến xem.

NSND Thế Anh cho biết: “Liên hoan phim lần thứ 17 diễn ra tại Phú Yên hồi cuối tháng 12/2011 vừa qua, tôi về Tuy Hòa được khán giả đón tiếp nhiệt tình… điều này cho thấy, khán giả Việt Nam không hề quay lưng lại với điện ảnh, mà lúc nào cũng chìa tay nâng đỡ những nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam”.


Phương Hà thực hiện