12:08 06/12/2010

“Đế chế bán lẻ” Wal-Mart (kỳ cuối)

Mặc dù luôn thể hiện một sự bảo thủ bắt rễ từ gia đình sáng lập, những năm gần đây Wal-Mart bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn tốt hơn trong bảo vệ môi trường. Đến năm 2007, tập đoàn này cho biết đã giảm được 55% lượng rác thải được đưa đi hủy theo phương pháp chôn lấp truyền thống.

Ra đời từ một tiệm bán hàng tạp hóa giá rẻ, chỉ trong một thời gian ngắn Wal-Mart đã trở thành dây chuyền siêu thị lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện thành công của một doanh nghiệp đầy sáng tạo trong kinh doanh là một cung cách làm ăn được cho là “làm giàu lén lút” của Wal-Mart.

Kỳ cuối: Những sáng kiến “xanh”

Mặc dù luôn thể hiện một sự bảo thủ bắt rễ từ gia đình sáng lập, những năm gần đây Wal-Mart bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn tốt hơn trong bảo vệ môi trường. Đến năm 2007, tập đoàn này cho biết đã giảm được 55% lượng rác thải được đưa đi hủy theo phương pháp chôn lấp truyền thống. Gần đây Wal-Mart thông báo ý định đưa 100% năng lượng do tập đoàn này sử dụng đến từ nguồn tái sinh và sẽ mua phong điện để đáp ứng 15% nguồn điện sử dụng trong các siêu thị ở Mỹ.

Các siêu thị Wal-Mart luôn thu hút lượng lớn người tiêu dùng.


Tháng 7/2009, trong một hội nghị khách hàng Wal-Mart đã thông báo với 1.500 nhà cung cấp, nhân viên và chuyên gia về kế hoạch phát triển một tiêu chí thống nhất để đánh giá mức độ thân thiện với môi trường của các sản phẩm, có tên “chỉ số sản phẩm bền vững”. Theo tiêu chí này, các nhà cung cấp sẽ phải báo cáo với tập đoàn này các vấn đề liên quan đến khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm rác thải và đạo đức trong sản xuất. Wal-Mart cũng có kế hoạch thiết lập một hệ thống dán nhãn sản phẩm qua đó người tiêu dùng biết được các thông tin về độ “xanh” của sản phẩm họ tiêu dùng. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Wal-Mart, Mike Duke, nói: “Khách hàng muốn các sản phẩm hữu dụng hơn, bền hơn và hiệu quả hơn. Họ cũng muốn biết sản phẩm đó được làm từ vật liệu an toàn, tốt và được sản xuất một cách có trách nhiệm”.

Matt Kistler, Phó chủ tịch Wal-Mart phụ trách về vấn đề phát triển bền vững, cho biết giảm rác thải đã trở thành một nhu cầu không cần bàn cãi. Ông nói: “Ban đầu chúng tôi cũng phản ứng như bao công ty khác trước một sức ép tiêu cực đến từ bên ngoài. Nhưng ngay sau đó, nó đã trở thành một nhu cầu, không phải đứng trên quan điểm bảo vệ môi trường mà đứng trên quan điểm của một doanh nghiệp”.

Mặc dù vậy, những người chỉ trích vẫn cho rằng điều đó là chưa đủ, xét phạm vi hoạt động toàn cầu hiện nay của Wal-Mart. Sự việc không đơn giản là một sản phẩm ra đời ở một nơi, vận chuyển nửa vòng Trái Đất đến một cửa hàng và dán cho nó cái nhãn “thân thiện môi trường”. Họ cho rằng, sẽ là tốt hơn nếu sản phẩm đó được sản xuất cách siêu thị của Wal-Mart khoảng 100 km.

Biểu tượng bảo vệ môi trường mới của Wal-Mart.

Về vấn đề đạo đức trong kinh doanh, như phân biệt đối xử với nhân viên hay không quan tâm tới điều kiện làm việc của các công ty cung cấp, Wal-Mart ngày càng thay đổi theo hướng tích cực. Ngoài việc thuê công ty theo dõi độc lập, Wal-Mart lập hẳn một bộ phận chuyên trách để giúp bên ngoài hiểu rõ hơn những việc tốt mà tập đoàn này đang nỗ lực thực hiện. Bộ phận này chủ động liên hệ với báo chí, khách hàng và mời những người chỉ trích tới tham quan trụ sở.

Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ Wal-Mart vẫn tỏ thái độ cứng rắn khi luôn tìm cách ngăn cản nhân viên thành lập công đoàn. Năm 2005, sau khi nhân viên tại một siêu thị Wal-Mart ở Quebec (Canađa) bỏ phiếu ủng hộ quyền đại diện tập thể, ban giám đốc tập đoàn phản ứng bằng cách... đóng cửa siêu thị này. Sự việc đã bị kiện lên tòa án tối cao Canađa, và cách đây ít lâu Wal-Mart đã phải đưa ra lời giải thích về lý do đóng cửa là “không có lãi”. Đây chỉ là một ví dụ hiếm hoi khi nhân viên Wal-Mart dám kiện giám đốc ra tòa.

Vụ kiện tập thể mà Wal-Mart đang phải đối mặt, liên quan đến vấn đề phân biệt đối xử với nhân viên nữ, nếu được phê chuẩn sẽ là vụ kiện lớn nhất trong lịch sử thế giới. Ước tính có khoảng 1,5 triệu phụ nữ đứng về phía nguyên cáo để chống lại Wal-Mart trong vụ kiện này. Họ cho rằng trong suốt một thời gian dài họ đã bị trả lương thấp hơn các đồng nghiệp nam và bỏ qua nhiều cơ hội đề bạt lên các vị trí cao hơn.

Cuộc tranh cãi xung quanh “đế chế bán lẻ” Wal-Mart sẽ còn kéo dài chừng nào còn tồn tại mâu thuẫn giữa nhu cầu dùng hàng giá rẻ và vấn đề đạo đức kinh doanh hay bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận đây là một điển hình về câu chuyện thành công của một doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh tự do. Dưới góc độ nào đó, thế giới đã phải tự thay đổi trước những triết lý kinh doanh đôi khi được cho là gàn dở của Wal-Mart.

Vũ Hội
(Tổng hợp)