02:11 25/02/2011

Để áo blu trắng không hoen màu

Cần làm gì để áo blu luôn giữ được màu trắng tinh khôi, trong sạch? Nhiều giải pháp đã được chính những "người trong cuộc" chia sẻ.

Cần làm gì để áo blu luôn giữ được màu trắng tinh khôi, trong sạch? Nhiều giải pháp đã được chính những "người trong cuộc" chia sẻ.

Tăng cường giáo dục về y đức

“Gần đây, thái độ phục vụ của nhân viên y tế với người bệnh ở một vài BV đã chuyển biến tốt hơn. Tôi có người thân KCB tại BV Mắt TƯ, BV Nhiệt đới TƯ nên tôi biết, các BS ở đây đã kiên quyết từ chối nhận phong bì của bệnh nhân, thái độ phục vụ ân cần, chu đáo”, chị Nguyễn Ái Huyền, khu tập thể Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ những cảm nhận về người thầy thuốc (NTT).

Tuy nhiên, chị Huyền cũng tâm sự: “Đáng tiếc là không phải BV nào cũng được như 2 BV nói trên. Càng tới BV TƯ thì càng sợ bị bác sĩ mắng. Người dân chúng tôi chỉ tìm đến BV (công) khi bệnh quá nặng. Trước khi vào BV, đều lo mua sẵn phong bì, chuẩn bị từng tờ 10.000 - 20.000 đồng để biếu điều dưỡng, những mong các cô nhẹ nhàng mỗi khi tiêm”.

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y, thì có góc nhìn khác: “Từ trước đến nay, tất cả những gì liên quan đến y đức đều đổ lỗi cho NTT. Đã ai từng nghiên cứu việc bệnh nhân cứ dúi tiền vào tay BS có phải là làm hư NTT hay chưa?”.

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh dẫn chứng: “Nhiều bệnh nhân cứ đến BV là dúi tiền cho BS bằng được, thậm chí, có người còn đòi đổi bác sĩ mổ chỉ vì BS đó không chịu nhận phong bì. Đã có lần tôi buộc phải cầm tiền của một bệnh nhân trước lúc mổ, nếu không nhận thì người ấy lo lắng, khóc lóc. Sau khi mổ xong, tôi đã mang trả lại người bệnh số tiền đó”. “Không chỉ có giáo dục y đức cho NTT, người bệnh cũng cần phải hiểu những đặc điểm và áp lực của nghề y để thông cảm với NTT hơn”, PGS Nguyễn Đức Hinh nhấn mạnh.

Về phía ngành Y tế, việc giáo dục y đức cho sinh viên những năm gần đây cũng đã được chú trọng hơn trước. Năm 2010, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP.HCM đã đưa bộ môn Y đức và Y xã hội học vào giảng dạy cho sinh viên. Nhưng ngay PGS Nguyễn Đức Hinh cũng khẳng định rằng, việc giáo dục y đức trong nhà trường thôi chưa đủ, bởi vì, y đức của NTT phụ thuộc môi trường chung toàn xã hội, trong đó có môi trường BV.

“Trước hết, cần phải nâng cao y đức trong các BV, khi các sinh viên bước vào BV sẽ sớm học tập những tính xấu mà các bác sĩ thể hiện trong quá trình KCB. Mà để làm được điều này thì vai trò của người quản lý rất quan trọng, BV xảy ra tiêu cực cũng là do ban lãnh đạo chưa làm tốt trách nhiệm quản lý...”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định.

Sớm đổi mới một số chính sách y tế

Theo GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội: “Cần có những thay đổi về chính sách đãi ngộ để NTT có thể đủ sống, yên tâm hành nghề”.

“Việc cho phép các bác sĩ được khám bệnh ngoài giờ tại các phòng khám cũng là giải pháp hợp lý, vừa để góp phần xã hội hóa việc khám chữa bệnh (khi cung và cầu còn bất cập) vừa giúp các thầy thuốc có thêm thu nhập chính đáng. Những chuyện tiêu cực cần được kiểm soát và phê phán đúng mức...”.

Đồng tình với quan điểm này, GS Phạm Mạnh Hùng cũng cho rằng, cần có giải pháp về chế độ đãi ngộ đối với NTT. Nghị quyết 46/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ: “... thực hiện chế độ đãi ngộ đối với NTT tương đương như với người thầy giáo”, song điều này vẫn chưa trở thành hệ thống chính sách đồng bộ. Hiện nay, thu nhập thực tế của nhiều NTT vẫn vào loại thấp, nhất là thầy thuốc đang công tác tại vùng sâu vùng xa.

“Cần có chính sách để kiểm soát việc nhận hoa hồng kê toa của một bộ phận thầy thuốc. Nếu tình trạng này trở thành giải pháp để NTT tăng thu nhập thì việc lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không an toàn không biết sẽ đi đến đâu?”, GS Phạm Mạnh Hùng lo lắng.

Ngành y tế cũng cần đổi mới và hoàn thiện chính sách tài chính y tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các nguồn tài chính công (bao gồm ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế), giảm dần hình thức thanh toán viện phí trực tiếp từ người bệnh. Cần chú trọng việc mở rộng đối tượng tham gia và các chính sách về bảo hiểm y tế.

“Đặc biệt cần giám sát chặt vấn đề tự chủ trong BV. Nếu cứ thả lỏng như hiện nay, e rằng sẽ xảy ra tình trạng coi bệnh nhân là đối tượng thu tiền”, GS Phạm Mạnh Hùng khuyến cáo.

Một số chuyên gia y tế cũng cho rằng việc cho các BV tự chủ là một chủ trương đúng đắn nhưng đã đến lúc cần phải có thêm biện pháp siết chặt, nhất là đối với việc góp vốn mua trang thiết bị hiện đại trong các cơ sở KCB để hạn chế tình trạng lạm dụng, gây tốn kém cho người bệnh.

P. Liên