11:08 15/11/2011

Dạy và học bằng bản đồ tư duy: Thay đổi cả tư duy dạy và học

Bản đồ tư duy - phương pháp dạy học bằng cách sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết, với sự tư duy tích cực không chỉ tạo hứng thú cho học tập của học sinh mà còn góp phần đổi mới và làm phong phú các phương pháp giáo dục.

Bản đồ tư duy - phương pháp dạy học bằng cách sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết, với sự tư duy tích cực không chỉ tạo hứng thú cho học tập của học sinh mà còn góp phần đổi mới và làm phong phú các phương pháp giáo dục. Phương pháp dạy học mới này đã quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng, GS Phạm Vũ Luận: Tinh thần của khoa học giáo dục là khi nghiên cứu phải sâu sắc, kỹ lưỡng nhưng khi phổ biến phải đơn giản, cụ thể, rõ ràng.

Phù hợp cả vùng sâu, vùng xa

Đổi mới phương pháp dạy và học xưa nay thường gắn nhiều với khoa học công nghệ, đòi hỏi hạ tầng cơ sở vật chất tốt. Những điều kiện này lại thường khó thực hiện ở vùng sâu vùng xa, nơi kinh tế còn nhiều khó khăn. Với bản đồ tư duy (BĐTD), nhiều trường học ở các tỉnh vùng sâu, vùng cao đã phản hồi rất tích cực và hào hứng tham gia.

Đổi mới phương pháp dạy và học đang là vấn đề được ngành Giáo dục đào tạo quan tâm chỉ đạo. Ảnh: Hoàng Hoa-TTXVN


Hiện nay 100% trường THCS tại huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã ứng dụng BĐTD vào dạy và học. Thầy giáo Nguyễn Văn Quả, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Lâm (Lạng Giang) cho biết: Trừ các môn học như thể dục, mỹ thuật... còn lại tất cả các môn học khác, nhà trường đều áp dụng phương pháp dạy học bằng BĐTD.

Tại lớp 9A Trường THCS Đại Lâm (Lạng Giang), cô giáo Nguyễn Thị Hồng cho các em học sinh ôn tập và hệ thống lại kiến thức của tác phẩm "Truyện Kiều", thân thế, sự nghiệp của tác giả Nguyễn Du bằng phương pháp BĐTD. Chỉ với hai từ khóa trung tâm "Truyện Kiều" và “Nguyễn Du”, cô giáo đặt những câu hỏi mở thu hút sự tham gia sôi nổi của học sinh. Dần dần, "bản đồ" đã hiện lên rõ ràng, sinh động, hệ thống toàn bộ nội dung kiến thức của bài học chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng đồng hồ. Bản đồ được hệ thống rõ ràng với sự tham gia của chính học sinh nên các em dễ dàng nhớ hầu hết nội dung bài học mà không phải học thuộc một cách máy móc.

Tại Trường THCS Hoàng Xuân Hãn (Ðức Thọ, Hà Tĩnh), sau hơn 20 năm dạy học, thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng cho biết, từ khi áp dụng BÐTD vào dạy và học; giáo viên và học sinh làm việc nhiều hơn nhưng thấy thoải mái và hứng thú hơn.

Các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy bằng BĐTD đều có chung nhận xét rằng, vật liệu làm BĐTD dễ kiếm, cách làm đơn giản và có thể vận dụng với bất kỳ điều kiện nào của các nhà trường hiện nay, đặc biệt là đối với các trường vùng khó. BĐTD có thể được vẽ trên giấy bìa, bảng phụ, sử dụng bút chì, màu, phấn, tẩy... hoặc cũng có thể thiết kế trên powerpoint hay các phần mềm chuyên dùng để hỗ trợ thiết kế BĐTD. Với các trường có cơ sở hạ tầng thông tin tốt, có thể cài vào phần mềm máy tính cho cán bộ, giáo viên, học sinh sử dụng.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp lãnh đạo

Theo đánh giá của nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, BĐTD sau khi ứng dụng vào các tiết học đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Giúp học sinh thuộc bài ngay tại lớp, nhớ nhanh, nhớ sâu và lâu những nội dung của bài học. Mặt khác, dạy học bằng BĐTD giúp học sinh không nhàm chán về bài học mà luôn sôi nổi, hào hứng từ đầu đến cuối tiết học. Phương pháp này đặc biệt có ích trong việc củng cố kiến thức và rèn luyện, phát triển tư duy logic, năng lực cho học sinh, nhất là những học sinh khá, giỏi. Học sinh có thể tự học ở nhà rất hiệu quả, không tốn kém.

“Đánh thức tư duy’’

Theo Tiến sĩ Trần Ðình Châu, Vụ trưởng, Giám đốc Dự án phát triển giáo dục THCS 2, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đồng tác giả, chủ trì nhóm nghiên cứu và tham mưu để Bộ GD&ĐT phổ biến phương pháp này. Nếu so sánh với phương pháp dạy học truyền thống chỉ chú trọng đọc - chép thì dạy học bằng BĐTD góp phần đổi mới căn bản và toàn diện tổ chức hoạt động dạy học, nhất là vận dụng vào dạy học kiến thức mới hoặc hệ thống hóa kiến thức phù hợp với từng đối tượng khác nhau.

Đổi mới phương pháp dạy và học là điều mà ngành giáo dục luôn cố gắng thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc thực hiện riêng lẻ nhất định sẽ không mang lại hiệu quả cao mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp lãnh đạo. Chính vì vậy, lần triển khai phương pháp dạy học mới này, Bộ GD&ĐT đã có công văn 8277 và công văn 295 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký chỉ đạo triển khai tập huấn 5 chuyên đề trong đó có BĐTD trên diện rộng.

Đầu năm học vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang là tỉnh đầu tiên đã có công văn hướng dẫn rất chi tiết về việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, các trường cần tổ chức tập huấn về sử dụng BĐTD trong đổi mới phương pháp dạy học cho toàn bộ giáo viên của nhà trường, đảm bảo mọi giáo viên đều có hiểu biết về BĐTD, có khả năng sử dụng vào dạy học một cách hợp lý. Tổ chức hướng dẫn để toàn bộ học sinh biết sử dụng BĐTD trong học tập. Có thể tổ chức cuộc thi ứng dụng BĐTD thiết kế bài giảng điển hình; phát động cuộc thi thiết kế BĐTD trong học tập của học sinh... Việc thực hiện đồng bộ trong một thời gian sẽ khiến hiệu quả của chương trình được nâng cao hơn.

Tại Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp... tuy mới được áp dụng từ đầu năm học 2010 - 2011 nhưng dạy học bằng BĐTD kết hợp với các phương pháp dạy học khác đã giúp học sinh học tập tích cực, chủ động, hiểu vấn đề sâu sắc, có hệ thống, học sinh yêu thích đi học hơn. Phương pháp dạy học này đã, đang và sẽ được ngành giáo dục hầu hết các tỉnh thành trong cả nước chỉ đạo nhân rộng ở cấp THCS và các cấp học khác.

PV