12:05 15/12/2014

Đẩy nhanh xử lý nợ xấu và sở hữu chéo

Xử lý nợ xấu và sở hữu chéo đang là vấn đề nổi cộm và nan giải của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, việc xử lý hai vấn đề này có nhiều triển vọng “về đích” nếu thực hiện đúng những biện pháp mạnh trong giai đoạn tiếp theo.

Xử lý nợ xấu và sở hữu chéo đang là vấn đề nổi cộm và nan giải của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, việc xử lý hai vấn đề này có nhiều triển vọng “về đích” nếu thực hiện đúng những biện pháp mạnh trong giai đoạn tiếp theo.

Nhiều triển vọng xử lý nợ xấu

Để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, một trong những điểm mấu chốt là cần sớm xử lý và có hiệu quả vấn đề nợ xấu. Vấn đề xử lý nợ xấu đến nay được hy vọng hơn khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 16 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/7/2014.

Vấn đề nợ xấu đang làm cản trở quá trình tái cấu trúc ngân hàng. Ảnh:  Trần Việt - TTXVN



Theo thông tư, tổ chức tín dụng (TCTD) được trao quyền rộng hơn so với trước trong quá trình xử lý tài sản của khách hàng để thu hồi nợ, như được quyền bán tài sản không qua đấu giá, quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ việc thu giữ tài sản, quyền ký trên các giấy tờ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện thi hành.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính ngân hàng, để xử lý tận gốc nợ xấu, trước mắt cần minh bạch hóa thông tin nợ xấu của từng TCTD. Để thực hiện vấn đề này, NHNN phải có biện pháp kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo các thông tin về nợ xấu do các tổ chức này cung cấp phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cũng nhận định, quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng vẫn còn một số tồn tại cần phải giải quyết. Vì vậy, cần tích cực tăng cường công tác thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng thương mại. Cùng với đó là trao quyền chủ động cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) nhiều hơn nữa, đồng thời triển khai thị trường mua bán nợ xấu. Ngoài ra, VAMC cũng cần được giảm tỷ lệ trích dự phòng rủi ro đối với khoản nợ xấu được chuyển giao. Nếu làm được như vậy, quá trình xử lý nợ xấu sẽ diễn ra một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn. “Nợ xấu sẽ trở về với mức bình thường khi kinh tế chúng ta phục hồi mạnh mẽ và thị trường bất động sản ấm lên”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Giải quyết tiêu cực trong sở hữu chéo

Bên cạnh nợ xấu, giải quyết sở hữu chéo cũng là một đòi hỏi khách quan, đặc biệt là trong tiến trình tái cơ cấu các TCTD. Theo các chuyên gia, việc giải quyết sở hữu chéo chậm trễ là một trong những cản trở lớn nhất đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay. Chính vì vậy, cần cấp bách giải quyết vấn đề tiêu cực trong sở hữu chéo.

Nhìn lại quá trình xử lý sở hữu chéo được triển khai từ năm 2011 đến nay, NHNN cũng đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong số 45 giải pháp thực hiện tái cơ cấu trong Đề án 254, có đến 24 giải pháp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến xử lý sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD. Một trong những giải pháp cơ bản và hiệu quả nhất được NHNN kỳ vọng để xử lý triệt để sở hữu chéo là yêu cầu các TCTD trong liên minh tiến hành sáp nhập hoặc hợp nhất.

Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Có hiệu lực từ 1/2/2015, Thông tư mới ban hành sẽ siết quy định về sở hữu chéo giữa các TCTD. Đây là quy định rất quan trọng để kiểm soát một ngân hàng cùng với thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên có “sân sau” của mình trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần.

Ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN) khẳng định, sở hữu chéo bản thân nó không xấu nhưng nếu sở hữu của một cá nhân, một tổ chức và người có liên quan ở mức độ nhất định có thể chi phối hoạt động của một ngân hàng khác, từ đó dẫn tới sự không minh bạch về chất lượng tín dụng và dòng tiền chảy vào nền kinh tế. Do đó, việc quy định giới hạn cấp tín dụng giữa các công ty con của ngân hàng, giữa ngân hàng với các thành viên công ty con, “sân sau” ở Thông tư 36 là một biện pháp hạn chế sự chi phối, thao túng, lợi ích nhóm phía sau.

Đỗ Huyền