05:06 09/05/2014

Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phối hợp với các địa phương, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông trọng điểm này để có thể cán đích thông xe vào tháng 10/2015.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phối hợp với các địa phương, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông trọng điểm này để có thể cán đích thông xe vào tháng 10/2015.


Chậm vốn và giải phóng mặt bằng


Theo chỉ đạo của Chính phủ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thông xe vào tháng 10/2015, nhưng đến nay, dự án này vẫn vướng mắc ở nhiều vấn đề như: giải phóng mặt bằng (GPMB), thi công và tài chính. Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin Tức, mặc dù 11/11 gói thầu đều đang được thi công nhưng dự án hiện mới đạt được khoảng 50 - 60% tiến độ. Đặc biệt, hai vị trí hiện vẫn chưa hoàn thành GPMB là phần đất của Sư đoàn 361 (Bộ Quốc phòng) tại TP Hà Nội và phần đất cải tạo kênh mương trên tỉnh lộ 390 thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương. Dẫn tới, gói thầu EX1 và nút giao quốc lộ 39 đấu nối với cầu Lục Điền đến nay chưa triển khai thi công được.

 

Hiện trường dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.


Những ngày cuối tháng 4/2014, phóng viên có mặt tại gói thầu EX4 thuộc hai huyện Bình Giang, Gia Lộc (Hải Dương) do nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) thực hiện. Đội trưởng thi công Nguyễn Đức Hùng cho biết: Đơn vị là thầu phụ thi công cầu B03, với giá trị xây lắp khoảng 200 tỷ đồng cho nhà thầu chính Keangnam. Khởi công từ tháng 12/2012, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, nhưng với tiến độ hiện nay khó có thể hoàn thành. Đơn vị chỉ lo nhân công, còn nguồn vốn, vật liệu, máy móc… phụ thuộc vào nhà thầu Keangnam, vì vậy, thời gian qua, đơn vị luôn thi công trong tình trạng chờ vốn và nguyên vật liệu. Đơn vị đã ứng hơn 14 tỷ đồng để chi trả nhân công, nhưng Keangnam hiện vẫn chưa thanh toán.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105,5 km là cao tốc loại A, đạt vận tốc thiết kế 120 km/giờ, gồm 6 làn xe, với tổng vốn đầu tư gần 47.000 tỷ đồng. Tuyến đường này đi qua 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, bắt đầu từ đường Vành đai III của TP Hà Nội và kết thúc tại đập Đình Vũ của TP Hải Phòng. Khi hoàn thành, công trình sẽ giảm tải cho QL5 cũ đang quá tải trầm trọng và rút ngắn thời gian đi lại giữa khu kinh tế Hà Nội, các tỉnh Tây Bắc với TP Hải Phòng.


Còn tại gói thầu EX10 thi công cầu Lạch Tray, Đội trưởng thi công gói thầu Vũ Đức Độ chia sẻ: Tiến độ cầu Lạch Tray hiện mới đạt được chưa đầy 40%, trong khi theo kế hoạch cuối năm 2014 đã phải hoàn thành. Do nhà thầu chính Nam Quang (Hàn Quốc) chậm thanh toán nên tổng giá trị gói thầu là gần 110 tỷ đồng, nhưng đến nay, nhà thầu chính mới thanh toán được khoảng 15 tỷ đồng…


Theo Chủ tịch VIDIFI Đào Văn Chiến, khả năng huy động tài chính của 9/11 nhà thầu nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn. Hợp đồng các gói thầu nêu rõ, các nhà thầu chính phải dùng vốn lưu động để mua dự trữ vật liệu, tuy nhiên hầu hết các nhà thầu hiện không huy động đủ vốn lưu động như cam kết. Thực tế này dẫn đến tình trạng nhà thầu chính không thanh toán kịp công nợ cho các nhà thầu phụ hoặc nhà thầu phụ tự ý dừng thi công tại một số gói thầu, dẫn đến chậm tiến độ cả công trình.


Nhà thầu hứa suông


Tại cuộc họp của Bộ GTVT với Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, các nhà thầu quốc tế đều cho rằng, nguyên nhân chính là nguồn tài chính chưa đáp ứng được và đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan. Đại diện nhà thầu KeangNam (Hàn Quốc) hứa sẽ bảo đảm đủ vốn trong quá trình thực hiện dự án đối với gói thầu EX4. Tuy nhiên, nguy cơ chậm tiến độ đã lộ rõ vì thời gian cán đích đã cận kề mà đến nay nhiều vấn đề liên quan vẫn chưa được giải quyết. Đại diện nhà thầu Sơn Đông, Tổng công ty Cầu đường (Trung Quốc) cũng cam kết sẽ cung cấp đủ tài chính theo tiến độ và đang làm thủ tục chuyển tiền nhưng khi được hỏi về mốc thời gian thì đại diện các nhà thầu bỏ ngỏ…


Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thẳng thắn: “Kengnam, Sơn Đông là những thương hiệu xây dựng công trình lớn, nhưng hiện nay chỉ hứa suông. Nếu thời gian tới, các đơn vị này báo cáo với công ty mẹ tại Hàn Quốc, Trung Quốc mà không tháo gỡ được tài chính, Bộ GTVT sẽ có văn bản không cho tiếp tục tham gia các dự án giao thông khác tại Việt Nam”.


Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cùng VIDIFI rà soát lại tiến độ từng gói thầu, kiểm điểm tiến độ hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng ngay trên công trường để xử lý các vấn đề vướng mắc kịp thời.


Đặc biệt, đối với các nhà thầu, Bộ trưởng Đinh La Thăng ra “tối hậu thư”: “Các nhà thầu phải bằng mọi biện pháp đảm bảo tiến độ cuối cùng, không lùi nữa. Đến đầu tháng 7/2014, tiến độ dự án không bảo đảm, Bộ GTVT sẽ chính thức có những chế tài xử lý nghiêm đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng”.


Hiện nay, liên danh nhà thầu Tổng công ty công trình giao thông 1 - 4 (Cienco1 - Cienco4), Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông (TEDI), Ban Quản lý các dự án giao thông 6, đã được Bộ GTVT chỉ định thay thế các nhà thầu quốc tế kém năng lực để thi công các gói EX1, EX 11… Mặc dù, trong vai trò “đóng thế”, nhưng các nhà thầu này đều cam kết hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng dự án để khẳng định uy tín.


Bài và ảnh: Tiến Hiếu