10:13 16/10/2014

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách an dân

Tình trạng ly nông, dịch chuyển lao động từ các tỉnh vùng ĐBSCL đến các thành phố ngày càng gia tăng. Đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn bởi hệ quả của sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ vẫn đang còn tồn tại.

Tình trạng ly nông, dịch chuyển lao động từ các tỉnh vùng ĐBSCL đến các thành phố ngày càng gia tăng. Đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn bởi hệ quả của sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ vẫn đang còn tồn tại.

Theo thống kê năm 2013, dân số ĐBSCL có gần 17,5 triệu người nhưng tỷ lệ thất nghiệp chiếm 3,5% trong tổng số những người trong độ tuổi lao động.

“Ly nông” dẫn đến “ly hương”

Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương về tình hình thực hiện chính sách xã hội và thực trạng di cư tự phát vùng ĐBSCL vào tháng 8 vừa qua, ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: cùng với sự phát triển công nghiệp của TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, thời gian qua lực lượng lao động trong khu vực đã có sự chuyển dịch rất lớn đến các vùng công nghiệp như: TP.HCM, Bình Dương... để làm ăn, sinh sống. Tình trạng ly nông, dịch chuyển lao động đã chỉ ra những vấn đề bất cập trong việc giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân vùng ĐBSCL.

Thu hoạch lúa hè thu 2014 tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.


Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, người dân vùng ĐBSCL - vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản lớn nhất nước chưa thể sống được trên mảnh ruộng, vườn của mình bởi lợi ích từ sản xuất nông sản bị phân chia thành nhiều phần và người nông dân chỉ được hưởng phần nhỏ. Chính quyền nhiều nơi cũng thừa nhận, nhiều nông hộ phải bán, cầm cố đất vì lợi nhuận không đủ để tái sản xuất. Bên cạnh đó, trình độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp thấp, đất sản xuất thiếu, tại địa phương không có việc làm phù hợp hoặc không nhà máy, cơ sở sản xuất cũng là nguyên nhân gây ra thực trạng nói trên.

Tại tỉnh Cà Mau, trong năm 2013, Cà Mau chỉ thu được kết quả giảm nghèo ở mức khiêm tốn với 299 hộ thoát nghèo. Trong khi đó, từ năm 2009, tỉnh đã dành 23 tỷ đồng để giải quyết đất ở, sản xuất, việc làm cho 4.000 hộ nghèo. Hiện tại tỉnh Cà Mau có gần 12.000 hộ với 13 dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó có hơn 2.800 hộ thuộc diện nghèo và 50% số hộ thiếu đất ở và đất sản xuất. Toàn tỉnh có trên 1.000 hộ dân có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, 900 hộ nghèo cần được giải quyết nhu cầu về đất ở, 253 hộ cần hỗ trợ về kinh phí để chuộc lại đất sản xuất và gần 800 người dân cần được hỗ trợ giải quyết việc làm. Do vậy trong giai đoạn năm 2014- 2015, tỉnh Cà Mau cần khoản kinh phí trên 50 tỷ đồng để giải quyết các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung cho chính sách lớn


Để xóa bỏ kiểu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, nhà nước đã có nhiều chính sách để xây dựng phát triển mô hình liên kết, tạo ra cánh đồng lớn để sản xuất lúa hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Nhưng thực tế, mô hình này ở một số địa phương vẫn lỏng lẻo, đầu ra của nông sản chưa được bảo đảm. GS.TS Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đánh giá: “Thực sự trong 10 doanh nghiệp thì chỉ có 2, 3 DN có tâm huyết với bà con. Còn lại là kiểu “cho, ban ơn” và muốn rút lui lúc nào thì rút. Do vậy phát triển cánh đồng mẫu lớn như vậy là không bền vững”.

Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cũng cho rằng, hiện nay nhà nước dàn trải nguồn lực cho những chính sách, tuy là chủ trương đúng đắn nhưng còn mang tính chất tình thế và cách thực hiện chưa mang đến cho người nông dân hiệu quả thiết thực. Chẳng hạn như chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, vụ thu mua tạm trữ lúa gạo đông xuân 2013 - 2014, một số địa phương khẳng định nông dân chưa hưởng lợi ích từ chương trình thu mua lúa tạm trữ. Bởi trong khi chờ doanh nghiệp có chỉ tiêu mua lúa thì đa số nông dân đã bán lúa lúc thu hoạch rộ trước đó với giá thấp. Ngoài ra số lượng mua tạm trữ có hạn, không thể đáp ứng nhu cầu chung của toàn vùng.

Chính vì vậy, đại diện sở, ngành của một số địa phương tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tăng cường chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thay đổi phương thức canh tác, nâng cao nhận thức, hành động của người dân khi tham gia vào chuỗi giá trị. Đồng thời, Bộ Công Thương sớm ban hành lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu và hợp tác, liên kết đặt hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đối với người trồng lúa.

Do vậy ngoài đầu tư cho những chính sách xã hội, để bảo đảm an sinh xã hội thực sự bền vững, nhà nước cần tập trung mạnh mẽ hơn nữa cho chính sách Tam nông bằng những giải pháp cụ thể cho vấn đề đất đai, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, đầu tư hạ tầng nông thôn...

Ngoài ra, đối với chính sách xã hội về giảm nghèo, thời gian tới sẽ có những thay đổi nhằm tháo gỡ những “nút thắt” do việc sử dụng chuẩn nghèo dựa vào thu nhập trong một thời gian dài từ năm 1993 đến nay đã không còn phù hợp. Cách đo lường chuẩn nghèo này bộc lộ nhiều hạn chế như bỏ sót đối tượng, độ bao phủ chưa cao, thiếu công bằng trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, chưa đánh giá, đo lường mức độ chuyển biến về tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân... Hiện Bộ LĐTB&XH đang triển khai xây dựng đề án giảm nghèo đa chiều để thay thế. Đây sẽ là một bước cải cách mới để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả tốt hơn.

Tập trung cho địa bàn trọng điểm

Để việc giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc được hiệu quả và bền vững, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, chất lượng và hiệu quả gắn với thị trường; đồng thời thực hiện tốt các chính sách, đề án hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số. Cần thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Các chính sách cũng cần tập trung tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm kinh phí theo kế hoạch đã đề ra.

Ông Lò Giàng Páo - Phó Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban dân tộc


Có giải pháp giúp hộ nghèo sản xuất

Từ thực tế cơ sở, chúng tôi đã chỉ đạo các ngành, chi bộ, đảng bộ và các trưởng, phó phòng nghiệp vụ của thành phố khi nhận đỡ đầu hộ nghèo phải dành thời gian đi thăm các hộ nghèo ít nhất 1 - 2 lần/tháng, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của hộ nghèo, trên cơ sở đó có giải pháp phối hợp với chính quyền địa phương cùng giúp hộ nghèo vươn lên làm ăn, tổ chức lại sản xuất, khơi dậy ý chí thoát nghèo từ đối tượng được giúp đỡ để cùng họ thực hiện các phương án thoát nghèo. Khi hỗ trợ đối tượng nghèo thì cũng chỉ trao “cần câu và chỉ cách câu” như trao tặng xe đạp cho người nghèo bán vé số làm phương tiện đi lại mưu sinh chứ không trao tiền.

Ông Dương Thành Trung, Bí thư thành phố Bạc Liêu 


Lựa chọn đúng chiều và chỉ số

Giảm nghèo đa chiều nhằm xác định các chiều thiếu hụt và chỉ số đo lường thiếu hụt được tiến hành dựa trên cơ sở quyền được bảo đảm về an sinh xã hội và các nhu cầu tối thiểu. Việc lựa chọn đúng các chiều và chỉ số sẽ hết sức quan trọng trong việc giám sát sự thay đổi về mức độ tiếp cận các nhu cầu cơ bản qua từng năm.

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng - Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội



Bài và ảnh: Anh Đức