11:09 17/11/2011

Đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ giữa các nước ASEAN-EU

Trong hai ngày 16-17/11, tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia tổ chức Hội nghị quốc tế SEA-EU-NET lần thứ 4, nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ giữa các nước ASEAN-EU, kết nối mạng lưới các nhà khoa học của hai khu vực và thúc đẩy sự tham gia của các nước Đông Nam Á.

Trong hai ngày 16-17/11, tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (NASATI) tổ chức Hội nghị quốc tế SEA-EU-NET lần thứ 4, nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ giữa các nước ASEAN-EU, kết nối mạng lưới các nhà khoa học của hai khu vực và thúc đẩy sự tham gia của các nước Đông Nam Á.

Quang cảnh Hội nghị quốc tế SEA - EU - NET lần thứ 4 tại Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


SEA-EU-NET là dự án thuộc Chương trình khung lần thứ 7 về nghiên cứu và phát triển (FP7) của Liên minh châu Âu (EU). Trong khuôn khổ dự án, hội nghị quốc tế hàng năm được tổ chức, nhằm tập hợp các nhà quản lý, các nhà khoa học của hai khu vực. Hội nghị SEA-EU-NET lần thứ 4 cũng là dịp khởi động chính thức YoSTI 2012 – một sáng kiến về hợp tác KH&CN giữa ASEAN và EU, nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững giữa hai khu vực quan trọng này trong nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay.

Hội nghị năm nay có chủ đề “Năm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ASEAN-EU 2012” (YoSTI 2012), với các nội dung: Đánh giá thành tựu hợp tác KH&CN giữa ASEAN-EU trong thời gian qua, xác định những tiềm năng và các lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai khu vực về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đưa ra các cơ chế tài trợ mới cho hợp tác KH&CN, xây dựng nền tảng nhằm khuyến khích sức mạnh tổng hợp của các hoạt động nghiên cứu chung. Bên cạnh các phiên họp đối thoại về chính sách KH&CN, trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra ba phiên hội thảo khoa học về các chủ đề: Dấu ấn sinh thái EU-ASEAN; xây dựng và quản lý thành phố xanh/bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; an ninh nước và quản lý nước.

Dự án SEA-EU-NET có mục tiêu chiến lược là tăng cường hợp tác KH&CN ASEAN - EU thông qua các hoạt động điều phối và hỗ trợ, gồm các hợp phần chính sau: Tăng cường đối thoại liên khu vực và song phương trong hợp tác khoa học và công nghệ; thiết lập mạng lưới các cơ quan (trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước, ngành công nghiệp, các nhà tài trợ) để tăng cường năng lực nghiên cứu; tăng cường sự tham gia của các đối tác ASEAN vào các chương trình thuộc FP7; phân tích, quan trắc và xây dựng các diễn đàn trao đổi thông tin làm cơ sở tri thức cho đối thoại liên vùng, hỗ trợ xác định hướng ưu tiên nghiên cứu.

Việc triển khai Dự án SEA-EU-NET tạo điều kiện và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức KH&CN Việt Nam vào các dự án hợp tác khoa học và công nghệ với EU cũng như xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình khung (FP7) của EU. Được giao làm đầu mối tham gia dự án, thời gian qua Cục đã tham gia nhiều hoạt động của dự án như: Tổ chức hội thảo giới thiệu FP7 tại Việt Nam, tổ chức các hội thảo chuyên đề, tham gia các diễn đàn đối thoại chính sách KH&CN ASEAN-EU, góp phần đạt được một số kết quả khả quan đáng ghi nhận.

Tính đến cuối tháng 10/2011, Việt Nam đã tham gia vào 27 dự án nghiên cứu chung được tài trợ bởi FP7, đạt tỷ lệ thành công là 33,3% (cao nhất khu vực Đông Nam Á và trên mức bình quân là 23,9%). Tổng số tiền tài trợ của FP7 dành cho các đối tác của Việt Nam đến nay là 3,38 triệu euro, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.

Phát biểu bên lề hội nghị, ông Frans Jessen, Đại sứ Liên minh châu Âu cho rằng, sự hợp tác KH&CN giữa hai khu vực trong thời gian qua khá sôi động, đặc biệt là ở Việt Nam. Từ những kết quả đáng ghi nhận trong việc chuyển giao KH&CN tại Việt Nam, ông Frans Jessen cho rằng, Việt Nam cần xác định rõ khả năng tiếp nhận KH&CN của mình, lĩnh vực cần chuyển giao để từng bước xây dựng kế hoạch tiếp cận; Nhà nước cần tạo ra môi trường ứng dụng (khuyến khích đổi mới công nghệ bằng các chính sách tài chính, thuế) và khi KH&CN của EU đã chuyển giao về Việt Nam thì phải có môi trường ứng dụng hiệu quả.

Hồng Ninh - XH